Con mắt thơ của ông nhìn xuyên thời gian, xuyên các tầng các lớp văn hóa của một vùng quê quan họ, một vùng đất thấm đẫm những huyền sử huyền tích huyền tình. Quê hương đã sinh ra nhà thơ và nhà thơ đã “sinh lại” quê hương bằng những câu chữ buông bắt, đung đưa, luyến láy, bằng những vần thơ thiết tha, nồng nàn, buồn dài vui ngắn, nhiều thương lắm nhớ.
Mắt thời gian của Hoàng Cầm hướng về Người Nữ với chữ viết hoa từ ngàn xưa đến ngàn sau trong tâm thức tình cảm thi nhân, là nguồn sự sống, nguồn tình yêu. “Tôi theo dòng mẫu hệ/ Cứ mê man lạc đường”. Thi nhân đi theo tiếng gọi của tình nhân.
"Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng", thơ Hoàng Cầm ở trong cõi ấy. Cõi tình yêu, cõi người nữ, cõi tính nữ. Người Nữ trước hết là Mẹ để khi lâm hoạn nạn "cúi lạy Mẹ con trở về Kinh Bắc". Người Nữ là chị trong một mối tình tuyệt vọng, xót xa, đau đớn, nhưng là một mối tình thiên niên vạn đại, "em đừng lớn nữa chị đừng đi", tạo nên một cặp đôi bất ngờ, mới mẻ của thơ Việt thế kỷ XX.
Người Nữ là Em: Người tình, người yêu, người vợ. Cho Người Nữ là em này, thi nhân có rất nhiều tình cảm, nhiều buồn vui, nhiều tiếc nuối. Trong đời, Hoàng Cầm là người thơ đa tình, dễ rung động, có những cuộc yêu đột ngột, những gắn kết bất ngờ. Thơ ông chứng thực cho tình ông, và còn hơn thế, cho ông sống được nhiều thêm dồi dào, thêm đa dạng, thêm các cung bậc yêu và tình yêu.
Hoàng Cầm đời và thơ trọn một kiếp người 9/10 thế kỷ làm một chứng nhân và một nạn nhân của lịch sử đã nhìn và được nhìn bằng "mắt thời gian càng miên man xanh". Thơ ông đã nhìn xuyên thời gian. Thời gian lại có con mắt để nhìn lại ông và thơ ông, cũng xuyên thời gian, để thấy ra những phù phiếm, nhất thời và những đích thực, lâu dài.
Nhân 1 năm mất của nhà thơ Hoàng Cầm, Hội Nhà văn Hà Nội và Công ty Văn hóa truyền thông Nhã Nam đã làm cuộc họp mặt tưởng nhớ ông và ra mắt tuyển tập “Hoàng Cầm - thơ”. Cuộc sống cứ trôi đi ngày tháng, mắt thời gian của Hoàng Cầm nhìn ta và ta nhìn ông trong mối quan hệ nghệ thuật - cuộc sống, nghệ thuật cùng con người sẽ còn soi chiếu và được soi chiếu nhiều chiều, nhiều mặt.
Phạm Xuân Nguyên