Dân Việt

Tròn một chữ tín

23/04/2011 09:28 GMT+7
(Dân Việt) - Tôi làm Trưởng thôn Thanh An đến giờ là nhiệm kỳ thứ 4. Tuổi đã lục tuần, sức xuân đã cạn, nhưng khi tôi xin nghỉ trưởng thôn, trăm người như một, ai cũng phản đối.

Vợ chồng tôi đều là công nhân của Nông trường An - Ngãi, khi được trên giao cho làm chủ một diện tích đất để định cư, tự sản xuất rồi nộp sản phẩm, nơi ấy vẫn là một vùng lau lách um tùm.

img
Trưởng thôn Trần Thị Tín.

Thôn nhỏ mang tên Thanh An mà tình hình bất ổn, phức tạp, bà con sống biệt lập, không tổ chức, không đoàn thể, không ai giao lưu với ai. Phải kết nối, xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp giữa các gia đình, nghĩ vậy tôi chủ động đến thăm hỏi từng nhà, tìm hiểu từng hoàn cảnh để kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ khi có việc cần. Ban đầu không ít ánh mắt nhìn tôi soi mói, dè chừng...

Kỷ niệm nhớ nhất là cuối năm 2001, tôi ghé qua túp lều của một gia đình mẹ góa, con tật nguyền cùng xóm, mới biết họ chẳng có thứ gì để đón Tết. Sau khi suy nghĩ, tôi đi vận động các hộ xung quanh cùng chung tay giúp đỡ. Tặng cái Tết giản dị cho láng giềng, ai cũng hưởng ứng nhiệt tình...

Tôi được bà con bầu làm trưởng thôn ngay sau ngày nông trường cho hai vợ chồng được nghỉ chế độ. Thời điểm đó, thôn Thanh An chưa có điện lưới quốc gia.

"Phải đưa bằng được điện về từng nhà thì cuộc sống mới có cơ may khấm khá hơn" - suy nghĩ của tôi đã nhận được sự ủng hộ của mọi người từ già đến trẻ. Muốn kéo điện phải có hàng trăm triệu đồng, mà bà con thì nghèo, nghĩ mãi, chỉ còn cách đem toàn bộ diện tích đất thổ cư của nhà mình tới ngân hàng thế chấp để vay tiền.

Chồng con nghe tôi bàn đều giật mình lo lắng lỡ không thu được tiền thì cả nhà sẽ ra sao? Nhưng tôi có niềm tin vào bà con. Niềm tin ấy đã giúp tôi thuyết phục được cả gia đình và cán bộ ngân hàng.

Hôm đóng cầu dao điện, cả thôn Thanh An bừng sáng, bà con khắp các ngõ reo hò, náo nức như vào hội. Tôi đứng dưới đường dây điện, vui đến trào nước mắt. Và đúng như tôi đã tin, chưa đầy 3 năm sau, cả gốc lẫn lãi nợ đã được trả hết, tôi thực sự được các cán bộ ngân hàng huyện tin tưởng. Họ bảo: "Ở Thanh An, nhà ai được bà Tín đứng tên bảo lãnh chắc chắn sẽ vay được tiền".

Từ ngày có điện, bà con trong thôn đua nhau bung ra làm ăn lớn. Khó khăn về vốn, họ tìm đến trưởng thôn nhờ đứng tên vay ngân hàng giúp. Tôi không ngại, nhưng bà con phải đưa ra được kế hoạch khả thi, có tính thuyết phục. Một hộ, hai hộ và giờ đây hầu như hộ nào trong thôn cũng đã từng nhờ tôi đứng tên vay vốn để làm ăn. Các con tôi vẫn nói vui rằng: "Chẳng biết có phải vì tên mẹ là Tín hay không mà ngân hàng và bà con lại tin và tín nhiệm đến thế"...

Bà Trần Thị Tín (thôn Thanh An, xã Tân An, huyện Tân Kỳ, Nghệ An).