Thực ra, ba tháng nay ông Năng đã tiếp cận những “ngổn ngang” ở Vinafood II và bây giờ ông “ngộ” gần như đầy đủ áp lực cùng lúc phải tái cấu trúc và phải thay đổi cách vận hành Vinafood II để thực hiện quyết định 62 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, chứ không chỉ là tém dẹp những “bầy hầy” từ thời trước.
Ông Huỳnh Thế Năng (trái) và ông Huỳnh Văn Thòn.
Nâng quy mô cánh đồng mẫu lớn
Ông Huỳnh Thế Năng cho biết, sau hai tháng bàn thảo giữa lãnh đạo Vinafood II và AGPPS và các nhóm chuyên gia, đã tính được nội dung hợp tác trong chiến lược xây dựng mô hình liên kết.
Lãnh đạo Vinafood II sẽ tiếp tục thảo luận với lãnh đạo các tỉnh, các nhóm chuyên gia và lãnh đạo hai bên sẽ thảo luận lần cuối về cách hợp lực để diện tích cánh đồng liên kết ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể là 30%, thay vì chỉ có 10% trong nỗ lực của AGPPS.
Sản lượng gạo từ cánh đồng liên kết sẽ chi phối tới 98% thị trường xuất khẩu nếu diện tích cánh đồng liên kết chiếm 30% diện tích ở ĐBSCL, theo ông Huỳnh Văn Thòn. “Để có lời nói hợp tác đó phải đợi trong thời gian dài. Chúng tôi muốn công khai, minh bạch để có ủng hộ, góp ý, chia sẻ giúp sự hợp tác đó hiệu quả”, ông Thòn cho biết.
AGPPS từng cho nông dân gửi lúa miễn phí tại kho. Ảnh: Nguyệt Hồng
Trong chiến lược hợp tác đó, AGPPS trở thành cổ đông chiến lược khi cổ phần hoá theo yêu cầu của Chính phủ và làm sao cánh đồng lớn là cách chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa các thành phần tham gia chuỗi giá trị. Ông Năng nhấn mạnh lợi ích giữa các thành phần tham gia chuỗi giá trị lúa gạo trong tư thế chia sẻ hài hoà lợi ích và rủi ro, có
ý nghĩa quyết định nội dung hợp tác.
Vinafood II lâu nay có thế mạnh đưa gạo ra thế giới nhưng chưa bao giờ góp sức cho đầu vào sản xuất, chưa bao giờ có kinh nghiệm cung cấp vật tư như AGPPS.
Muốn làm thiệt
Hội đồng thành viên Vinafood II đã thống nhất đề xuất của tổng giám đốc và sẽ triển khai ba giai đoạn cổ phần hoá (CPH) tổng công ty. Bước 1: Từ nay đến cuối năm, các công ty hạch toán phụ thuộc hoặc có tài chính lành mạnh sẽ ưu tiên chuyển thành công ty TNHH và tiến hành CPH. Bước 2: Trong năm 2015, sẽ tiếp tục CPH một số công ty TNHH còn lại. Bước 3: CPH văn phòng tổng công ty và phần còn lại, khoảng cuối năm 2016 hoàn tất lộ trình này. |
Nhận trọng trách “rất lớn và đầy thách thức”, theo cách nói của ông Huỳnh Thế Năng, trong hai tháng tiếp cận những ngổn ngang ở Vinafood II, lúc lắng lòng ông nói về sự lo lắng của gia đình. “Lên Sài Gòn ông đã làm gì với cái chức tổng giám đốc đó?”, vợ ông Năng hỏi.
Ông trả lời: “Làm con buôn gạo!”. Hoàn toàn không giống như hồi 42 tuổi, từ Tịnh Biên nhận nhiệm vụ giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển tỉnh An Giang, ông cố gắng an ủi gia đình: “Thách thức lớn, thú vị và cũng là cơ hội lớn”.
Khi ông Thòn tìm thấy sự hậu thuẫn của các địa phương trong việc triển khai cánh đồng liên kết vùng nguyên liệu và cụm chế biến, thì ông Năng mong muốn các tỉnh ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long khởi động trở lại một cách nghiêm túc hệ thống canh tác giống ba cấp cộng đồng và hệ thống thương mại hoá lúa gạo khi xây dựng cách đồng lớn, cánh đồng liên kết.
Trong quyết định 62-CP, nói về mối quan hệ và lòng tin giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân: thứ nhất, DN nói đầu tư, vậy có cung cấp vật tư, có ký hợp đồng tiêu thụ? (DN thường trả lời rất ấp úng câu hỏi này, theo ông Năng). Thứ hai là cơ sở hạ tầng, máy sấy, nhà máy xay xát có đủ sức đưa lúa về sấy, vô kho kịp thời hay không?
“Muốn biết thiệt hay không thì nhìn vào hai điều trên là biết liền, hoàn toàn biết trước chứ không phải đợi tới lúc DN không mua mới biết. Nhưng chính quyền địa phương ít khi đặt câu hỏi. Nếu không làm mà chỉ nói, nào là phải thâm nhập phân khúc thị trường giá cao, phải làm thương hiệu lúa gạo… chỉ là nói suông chứ không thực tâm. Không thực chất… Đã vậy thì nội chuyện này thôi đã không giúp được nông dân rồi”, ông Năng nói.