Căn cứ để khách hàng thực hiện đó là hợp đồng giao kết giữa pháp nhân cung ứng dịch vụ với khách hàng thông qua tấm vé. Ví dụ, trong vé ghi rõ 9 giờ bay nhưng rồi sau đó chuyến bay bị chậm là doanh nghiệp đã không thực hiện đúng cam kết nên khách hàng có thể yêu cầu được bồi thường. Vấn đề chứng minh thiệt hại cũng không khó, đơn giản có thể tính việc bị chậm theo giờ làm việc của một người bình thường, hoặc giờ làm việc của một chuyên gia. Tiếp đó khách hàng có thể chứng minh qua các căn cứ khác từ việc bị chậm chuyến bay dẫn đến thiệt hại, ví dụ như bị hủy hợp đồng kinh tế, bị lỡ thực hiện việc gì đó...
Theo khoản 1 Điều 164 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, việc bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm quy định: "Người vận chuyển có trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra do vận chuyển chậm, trừ trường hợp chứng minh được mình, nhân viên và đại lý của mình không thể áp dụng hoặc đã áp dụng mọi biện pháp để tránh thiệt hại nhưng thiệt hại vẫn xảy ra". Khách hàng bị thiệt hại do chậm giờ bay hoặc hủy chuyến như đã thỏa thuận trên tấm vé có thể yêu cầu hãng hàng không đã gây ra thiệt hại phải bồi thường. Nếu không được có thể gửi đơn lên cơ quan chủ quản của hãng đó. Cuối cùng khi 2 đơn vị kể trên đã giải quyết mà khách hàng thấy không thỏa đáng thì đề nghị cơ quan tư pháp, cụ thể là kiện ra tòa án để đề nghị giải quyết bồi thường thiệt hại.
Có thể nói do việc yêu cầu bồi thường phải qua những công đoạn thế này, thế kia, rắc rối tốn thời gian nên ít có khách hàng nào muốn thực hiện quyền của mình khi bị xâm hại. Bên cạnh đó là kết quả kinh tế đem lại không phải lớn nên cũng chẳng ai muốn làm. Tuy nhiên việc đó vô tình tạo ra cho doanh nghiệp giống như được "nuông chiều".