Hy sinh hạnh phúc riêng
Nhiều lần trò chuyện với kiểm ngư viên Ngô Đức Tiến (SN 1974) của tàu kiểm ngư (KN) 628 trong những phút anh và mọi người trên tàu được thảnh thơi, tôi đọc được từ mắt anh những nỗi niềm riêng, nhưng vì thấy anh cứ lảng tránh nên tôi không dám mở lời. Được Thuyền trưởng Hoàng Văn Lâm và anh em trên tàu thuyết phục, cuối cùng anh Tiến cũng trải lòng với tôi.
Anh Tiến là con một gia đình nông dân ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, lập gia đình từ năm 2006. Đến nay, sau 8 năm cưới nhau, vợ chồng anh vẫn chưa có con. Hai vợ chồng từng đưa nhau đi chữa trị hiếm muộn khắp nơi để mong kiếm được mụn con nhưng chưa mang lại kết quả. Theo chẩn đoán của bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến sự hiếm muộn là do ở anh Tiến và anh phải điều trị liên tục, lâu dài.
Đứng bên mạn tàu nhìn xuống những con sóng bạc đầu, anh kể với tôi bằng giọng trầm buồn: “Từ ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Hoàng Sa đến nay, mình không có thời gian chữa trị và cũng hiếm khi được gần vợ, nên chuyện con cái vẫn đang dở dang”. Nhưng nỗi buồn chỉ thoáng qua trên khuôn mặt anh, rồi giọng anh lại ầm ào như sóng biển: “Giờ nhiệm vụ quan trọng nhất của mình và anh em là bảo vệ chủ quyền biển đảo. Khi nào Hoàng Sa hoàn toàn trở về với đất mẹ thì mình mới tính chuyện riêng tư”.
Là con nhà nông thực thụ nên Thuyền trưởng Lâm luôn “lào rào như ngọn lúa” nhưng trong anh cũng có nhiều nỗi niềm. Anh Lâm cưới vợ từ năm 2010 và đã có con gái 2 tuổi. Vợ chồng anh đều cùng quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa. Cuộc sống gia đình anh hiện khá bấp bênh vì mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào đồng lương của anh, vợ anh chưa có việc làm, con lại hay ốm đau.
Hiện vợ chồng anh vẫn phải ở nhà thuê, tháng nào mà con ốm đau là cuối tháng đã phải chạy vạy vay tiền lo cơm áo. Bố mẹ anh ở quê đều đã hơn 80 tuổi và thiếu người chăm sóc. “Nhưng chuyện gia đình mình đang gác lại để toàn tâm toàn ý hoàn thành nhiệm vụ được giao cái đã”- anh kể. Trước khi học trường hải quân rồi trở thành cán bộ kiểm ngư, anh Lâm từng đứt gánh việc học ở 2 trường đại học chỉ tại cái nghèo đeo đẳng.
Với kiểm ngư viên Trần Văn Cường quê ở Giao Thủy, Nam Định thì đang gác lại chuyện trăm năm. Cường trở thành nhân viên của tàu KN 628 từ tháng 11.2013 và từ đó đến nay mới chỉ có thời gian về thăm nhà được 1 lần. “Bố mẹ giục em lấy vợ nhiều lần rồi nhưng em phải lo nhiệm vụ cái đã. Em và các anh em khác trên tàu từ lâu đã xác định phải gác hạnh phúc riêng tư vì chủ quyền biển đảo anh ạ”- Cường chia sẻ.
Vượt qua nỗi đau
Trước khi làm thuyền trưởng của tàu KN 628, anh Hoàng Văn Lâm từng là chỉ huy của nhiều tàu kiểm ngư khác nên nắm rất rõ cảnh ngộ của lực lượng kiểm ngư thực hiện nhiệm vụ tại vùng biển Hoàng Sa. Anh Lâm kể cho tôi rất nhiều trường hợp cán bộ, nhân viên kiểm ngư gặp bi kịch gia đình như mất mát người thân thích, vợ mắc bệnh hiểm nghèo…
Nhưng tất cả họ đều vượt qua nỗi đau để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đơn cử như trường hợp của kiểm ngư viên Phan Văn Vỹ của tàu KN 799. Anh Vỹ quê ở xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, đã lập gia đình và có 2 con nhỏ.
Anh Vỹ ra vùng biển Hoàng Sa làm nhiệm vụ khi vợ anh mắc căn bệnh ung thư vú giai đoạn cuối đang nằm viện điều trị. Những ngày ngắn ngủi anh về thăm nhà cũng là lúc vợ anh qua đời, để lại cho anh 2 đứa con nhỏ với gia cảnh khánh kiệt. Mất mát đó tưởng như sẽ khiến anh khuỵu xuống, nhưng vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc nên anh không cho phép mình gục gã.
Vợ mất được 3 ngày thì anh gửi 2 đứa con nhỏ cho gia đình nội và ngoại để tiếp tục theo tàu ra vùng biển Hoàng Sa. Vừa qua, đến 49 ngày vợ mình qua đời nhưng anh cũng không thể về thắp cho vợ nén hương. Thương 2 đứa con nhỏ sớm mồ côi mẹ, anh muốn bù đắp thật nhiều cho con nhưng thời gian chưa cho phép anh làm điều đó.
Hoàn cảnh của kiểm ngư viên Mai Văn Diệp (quê Ninh Bình) của tàu KN 629 cũng chất chứa bi kịch. Hơn 3 năm nay, vợ anh Diệp là chị Đặng Thị Phúc Thùy (quê Hà Tĩnh) mắc bệnh ung thư tuyến giáp, liên tiếp phải nằm viện điều trị. Sự hành hạ của bệnh tật khiến chị Thùy ngày càng suy sụp.
Hơn ai hết, anh Diệp hiểu rằng vợ anh đang cần có bàn tay anh chăm sóc vào lúc này nhưng hoàn cảnh công tác khiến anh không thể thực hiện điều đó. Biết chồng đang gánh vác nhiệm vụ thiêng liêng, những thời gian ngắn ngủi gần chồng chị Thùy luôn nở nụ cười để động viên anh.