Dân Việt

“Sát thủ” trên những mái nhà: Hai bộ tranh cãi, dân lo âu

Long Nguyên - Diệu Linh 25/07/2014 06:43 GMT+7
Bài “Sát thủ” trên những mái nhà” phản ánh những lo lắng của người dân trước thông tin tấm lợp có amiăng là chất gây ung thư. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng và Bộ Y tế vẫn chưa thống nhất quan điểm. Trong khi đó, hàng triệu hộ dân đang sử dụng tấm lợp cần có câu trả lời dứt khoát.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: Cần có cơ sở khoa học và lộ trình

Quan điểm của chúng tôi là triệt để ưu tiên vấn đề bảo vệ sức khỏe người dân và bảo vệ môi trường, song cũng cần cân đối lợi ích của doanh nghiệp nếu chưa có những chứng cứ khoa học rõ ràng.

Việt Nam là một trong các quốc gia tham gia công ước kiểm soát hóa chất độc hại. Chính phủ đã cấm tuyệt đối sử dụng các chất độc hại cho môi trường và sức khỏe cộng đồng để sản xuất vật liệu xây dựng. Đối với amiăng, nghiêm cấm việc sử dụng amiăng nhóm amfibole (amiăng nâu và xanh) trong sản xuất vật liệu xây dựng dưới mọi hình thức, chỉ cho phép sử dụng amiăng trắng (cryzotin) để sản xuất tấm lợp.

Bộ Xây dựng với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực vật liệu xây dựng đã ban hành, phối hợp ban hành và trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định về kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng amiăng trắng trong sản xuất vật liệu xây dựng ở Việt Nam; thường xuyên chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá thực trạng việc sử dụng amiăng trắng… Mặc dù vậy, nếu chưa có những chứng cứ khoa học rõ ràng thì cần cân đối đến lợi ích của doanh nghiệp, trong đó có lợi ích của người lao động.

Hiện nay, ngành sản xuất tấm lợp amiăng trắng, ngoài tổng tài sản gần 4.000 tỷ đồng thì còn sản xuất ra lượng hàng hóa đáp ứng 25-30% nhu cầu sử dụng tấm lợp của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị bão lũ. Tất cả các yếu tố như tổng doanh thu đóng góp GDP địa phương, thu nhập người lao động, nộp ngân sách… đều phải được tính toán trong quá trình đề xuất các giải pháp phù hợp trong quản lý sản xuất và sử dụng tấm lợp chứa amiăng trắng ở Việt Nam.

Việc cấm hay không cấm amiăng trắng cần bàn bạc giữa các bộ, ngành trước khi báo cáo Thủ tướng và chắc chắn không riêng bộ nào kết luận được vấn đề này. Nếu có cấm amiăng trắng thì cũng phải viện dẫn cơ sở khoa học và cũng phải có lộ trình vì có nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nguồn tài sản lớn và hơn 5.000 lao động hiện đang tham gia sản xuất. Hơn nữa, ngừng tấm lợp mà chưa có sản phẩm thay thế 81- 90 triệu m2 tấm lợp/năm không phải điều đơn giản.

TS Lương Mai Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế):Chi phí y tế lớn hơn nhiều so với giá trị kinh tế

Giám sát bụi amiăng trong môi trường lao động của Bộ Y tế giai đoạn 2009-2011 cho thấy, khu vực khai thác mỏ sepentin và khu vực nghiền quặng có nồng độ sợi amiăng trong không khí môi trường lao động cao nhất, dao động từ 0,2-0,7sợi/ml không khí vượt tiêu chuẩn vệ sinh từ 2-7 lần; ở các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp thì nồng độ amiăng tập trung tại khu gỡ bao, nghiền trộn amiăng, có nồng độ là 0,1-0,8 sợi/ml không khí.

Trong khi đó, công tác huấn luyện của các doanh nghiệp sản xuất amiăng đều yếu. Ngoại trừ Công ty Đông Anh (Hà Nội) đạt 60% điểm, còn các công ty khác đều ở mức dưới trung bình. Hậu quả: Công nhân tại tấm lợp Bình Phát (TP.Hồ Chí Minh) dùng tay không bốc amiăng, đi chân trần trên nền đất rơi vãi nhiều amiăng khu vận chuyển; người lao động của tấm lợp Đông Anh không mặc quần áo bảo hộ khi làm việc; 90% lao động dây chuyền tấm lợp tại công ty Nam Việt (TP.Hồ Chí Minh) không đeo khẩu trang khi làm việc cho thấy sự hạn chế về kiến thức và thái độ coi thường với các nguy cơ từ amiăng. Nguy cơ amiăng ngấm qua da, qua hô hấp là rất lớn.

Hiện Việt Nam chưa có nhiều bằng chứng về các tác hại của amiăng đối với sức khỏe người lao động cũng như người dân tiếp xúc với amiăng hoặc sản phẩm có chứa ami ăng vì “tuổi đời” của các công ty sản xuất liên quan amiăng đều rất trẻ, chưa đến 20 năm. Trong khi thời gian tiếp xúc và ủ bệnh đối với amiăng là 20-30 năm. Do đó, các nhà khoa học không theo dõi được hồ sơ lưu, không đủ thông tin, thống kê báo cáo một cách đầy đủ về tác hại của amiăng.

Tuy nhiên không thể nói là không có bằng chứng rõ ràng về sự độc hại của amiăng bởi thế giới có rất nhiều nghiên cứu về nó. Sau khi cân nhắc giữa sự độc hại với sức khỏe, chi phí y tế và lợi ích kinh tế, đã có 55 nước cấm sử dụng amiăng. Lý do mà Bộ y tế thấy rằng cần phải cấm amiăng là vì các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy: amiăng có khả năng gây bệnh rất cao dù với mức độ tiếp xúc thấp.

Hiện chúng ta cũng đã tìm ra vật liệu sản xuất tấm lợp thay thế amiăng, tuy giá thành có cao hơn một chút nhưng so với chi phí y tế phải bỏ ra nếu người lao động bị bệnh thì nhỏ hơn rất nhiều.

 “Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, không có cách nào để kiểm soát amiăng an toàn. Chúng ta là thành viên của WHO, chúng ta đã chấp nhận nhiều khuyến cáo của WHO vì sao riêng vấn đề amiăng lại đi theo xu thế ngược lại. Theo tôi, việc cần làm bây giờ là bàn lộ trình hạn chế, tiến tới cấm sử dụng amiăng như thế nào cho hợp lý và gấp rút tuyên truyền tác hại của amiăng cho công nhân và người tiêu dùng để họ tăng cường bảo vệ sức khỏe của mình”.

TS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD)