Đó là hậu quả của cơn bão số 2 mang tên “Thần Sấm” gây ra. Người dân ở đây cho biết, trận lụt lịch sử năm 2008 nước lũ dâng cao hơn trận lụt này khoảng 40cm, nhưng không gây sạt lở và thiệt hại như hiện nay.
Người dân ở đây cho rằng, ngoài nguyên nhân nước lũ to, còn một nguyên nhân nữa đó là năm 2012, tỉnh Lạng Sơn cho cho thi công dự án kè hai bên bở sông Kỳ Cùng đoạn chảy qua TP Lạng Sơn. Theo đó, hai bên bờ sông đã được bạt ta luy để kè và khi đó, người dân đã chấp nhận hy sinh cây cối, hoa màu để tỉnh thực hiện dự án này.
Điều đáng nói là, từ năm 2012 dự án này mới chỉ kè được vài đoạn, còn lại là vẫn để nguyên ta luy trơ đất, do đó khi nước lũ lên, ta luy đất đã nhanh chóng bị nước đánh sụt, kéo theo nhà bếp, chuồng gà, sân, cây cối, vườn tược và hàng triệu mét khối đất trôi tọt xuống sông Kỳ Cùng.
Bà Nguyễn Thị Hường ở tổ 4, khối 10, phường Tam Thanh (TP Lạng Sơn) cho biết, bà con khối đã nhiều lần gửi đơn lên phường, thành phố thậm chí cả tỉnh đề nghị tỉnh, đơn vị thi công cho kè mái, tránh gây sạt lở, nhất là vào mùa mưa bão. Và họ đã về đo đạc rồi lại bỏ đi chứ không thấy kè mái bờ sông cho người dân yên tâm.
Dưới đây là những hình ảnh do phóng viên Dân Việt ghi lại.
Hàng trăm mét ta luy dọc theo bờ sông Kỳ Cùng, đoạn thuộc tổ 14, phường Tam Thanh (TP Lạng Sơn) đã bị lũ cuốn trôi tọt xuống sông Kỳ Cùng.
Nhà của, của cải, hòa màu của hàng chục hộ dân dọc đoạn này cũng đã bị kéo tuột xuống sông.
Anh Nguyễn Chí Văn chỉ vị trí chuồng gà trước đây, anh Văn cho biết, gia đình anh bị lũ gây sạt lở kéo tuột cả chuồng gà, với hơn 30 con gà, độ 1,5 – 2kg/con và khoảng 80m2 đất vườn cũng bị kéo tuột xuống sông.
Còn gia đình anh Nguyễn Văn Quý cạnh nhà anh Văn bị sạt lở mất một nhà bếp, một máy giặt và một số vận dụng khác, cùng với khoảng 80m2 đất vườn, bờ giếng, sân đã bị trôi tuột xuống sông.
Bức tường nối giữa nhà chính và nhà bếp của chị Tô Ngọc Ánh do sạt lở bờ sông đã kéo tách lè ra khoảng 15cm.
Tường nhà của anh Văn bịt nứt nhan nhở.
Không chỉ vậy, ngôi nhà bằng trần nhà cũng bị nứt nham nhở.
Hầu hết tất cả những nhà dọc đoạn sông này từ sân nhà, sân giếng, cho đến tường nhà đều bị nứt toạc nham nhở, rất nguy hiểm.
Ông Nguyễn Quốc Hùng chỉ vị trí cây khế trước đây và bây giờ nó đã nằm gọp dưới lòng sông.