Từ xưa đến nay, hầu hết cư dân ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn đều sống về nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa. Đã nói là trồng lúa thì điều kiện tiên quyết không gì khác hơn là “Nhứt nước…”. Trước đây, với cây lúa mùa, đến thời điểm xuống giống mà trời không mưa, cứ nắng chang chang, đất đồng nứt nẻ thì làm sao cày bừa, gieo sạ? Nếu cứ ngồi mà trông mưa ắt phải trễ mùa vụ. Ca dao địa phương:
Quốc tu oa cò ma ra ruộng/Bông đế trổ rồi, cấy muộn ăn rơm.Cổng chùa Khơ-me
Thiếu nước cho vụ mùa, cái đói đã được báo trước! Chính vì vậy bà con người Khơ me Nam Bộ không thể không tụ tập lại để làm lễ tại miếu Ông Tà. Họ tự mang đến rượu ngon, gà hoặc vịt luộc, có khi cả đầu heo, và nhang đèn, bày biện trước ngôi miếu nhỏ đơn sơ ấy, xong sắp hàng một đi quanh miếu ba vòng để “xin nước mưa” gọi là Um tuk lơ kôk. Sau đó mọi người lần lượt thắp nhang lễ bái tự do, cầu khẩn những điều mình mong ước rồi cùng đọc kinh Sôphôntô, và trước khi liên hoan tại chỗ, họ tổ chức một cuộc đua ghe trên … đất!
Ghe nói ở đây không có nghĩa là ghe xuồng thật sự như ta thường thấy diễn ra tại lễ Óc ăm bok với mũi và lái cong quớt, gọi tuk ngo (tuk: ghe; ngo: cong), mà ghe dùng trong lễ này được tượng trưng bằng những cái vòng bằng bẹ chuối rất đơn sơ, dài khoảng 2 mét, và tất nhiên không có đáy.
Cứ hai người một “thuyền”. Họ dùng dây gióng “thuyền” lên cổ, mỗi người cầm một cây dầm cũng bằng bẹ chuối hoặc nhánh cây. Tất cả sẵn sàng khởi động theo hiệu lệnh người chỉ huy. Họ vừa quơ dầm bơi khơi trong không khí vừa la “dơ, dơ” hoặc “dơ môn, dơ môn” theo nhịp điệu, nghĩa là vừa bơi bằng tay vừa chạy bằng chân theo tiếng lắc của chuông và tiếng phèng la khua inh ỏi. Song song, họ cũng hô lên những lời khấn nguyện thành vần điệu như một câu hát ứng khẩu, mang nội dung cầu cho mưa xuống để có nước gieo sạ, đồng ruộng được xanh tốt.
Chú tiểu bên chánh điện chùa Khơ me
Cuộc đua được diễn ra xuyên qua khắp các thửa ruộng theo một lộ trình tùy hứng của người dẫn đầu, rồi kết thúc bằng cách quay trở lại miếu. Ai nấy thở hào hển. Nghỉ mệt xong, chẳng những chỉ đàn ông mà cả đến đàn bà cũng hòa nhập cuộc “đánh chén với Ông Tà” và nhảy múa rất vui vẻ.
Thức cúng được trích ra mỗi thứ một ít, đem để xuống chiếc thuyền con làm bằng bẹ chuối thả xuống kinh rạch, trôi đi đâu thì trôi, với ý “kiếng cho Thần Nước” – có khi con rạch đã khô cạn bà con cũng vẫn làm như thế.
Cuộc đua ghe trên đất này mang cùng lúc hai mục đích: vừa trình diễn văn nghệ giúp vui Ông Tà, vừa tha thiết cầu xin Ông Tà với uy tín và chức năng của mình, mau mau tìm cách giúp cho đồng ruộng đang khô khan có thật nhiều nước mưa để cày cấy – không nước nên mới đua ghe trên đất!
Ông Tà hóa thân là cục đá
Nếu chờ một thời gian lâu mà vẫn không mưa, bà con tiếp tục làm lễ một lần nữa, cũng với ý nghĩa xin nước mưa, nhưng lần này không gọi Um tuk lơ kôk mà gọi Bon sâum tưk phliêng. Lễ này được tổ chức có phần thống thiết hơn. Chủ sự là mười nhà sư và một con cá lóc. Sư đứng sắp hàng, phơi nắng và tụng kinh giữa đồng khô cỏ cháy, còn con cá lóc thì để dưới một cái hố cạn và nhỏ đào sẵn kế đó (hoặc đựng trong nồi cà om, hay việm, cũng không có nước). Tất cả đều nhằm vào mục đích làm cho động lòng Trời để Trời thương mà trút nước mưa xuống cho vạn vật nhờ.
Kinh Sôphôntô có nói rằng, con cá lóc là tiền thân đức Phật Thích Ca. Ngài sống trong một cái hồ tên là Anôtttah. Lúc bấy giờ vùng này bị hạn hán 12 năm liền, hồ Anôtttah bị khô cạn, các loài thủy sinh đều chêt hết. Ngài nghĩ: “Ta không làm hại ai, chỉ ăn rong rêu và cây cỏ mục để sống, không sát sinh, trầm tư mặc niệm, làm lành lánh dữ, tại sao Trời nỡ sát hại muôn loài và đe dọa ngay cả chính bản thân ta?”. Nghĩ vậy, bè chui đầu lên khỏi bùn, tâu với Ngọc hoàng:
- Thưa Ngọc hoàng, Ngài có thấy thế gian đang thiếu nước và đang đau khổ chăng? Sao Ngài không ban xuống những giọt mưa lành cứu chúng sanh?
Tiếng kêu động Trời, Ngọc hoàng bèn cho mưa xuống cứu độ muôn loài…
Ngày nay tuy đồng ruộng đã có hệ thống tưới tiêu tương đối hoàn chỉnh, con người có thể chủ động vấn đề nước phục vụ nông nghiệp, nhưng những lễ tục ấy người Khơ me Nam Bộ vẫn duy trì tại một số nơi như để nhắc nhớ dấu ấn làm ăn vô cùng khó khổ của lớp lớp tiền nhân thuở trước.