Một ông lên tiếng:
- Bão tan rồi, giàn khoan kéo về nước họ rồi, sao bà con ta lại khí thế chìm lắng thế nhỉ? Vui lên bà con!
- Muốn vui cũng chẳng có gì mà vui. Bão tan nhưng nông dân miền núi phía bắc vẫn chết người, trôi nhà, hoa màu mất sạch. Năm nào cũng chết, trôi, đói, tắc đường.
- Giàn khoan rút về là chuyện của họ, nhưng ta lại phát hiện ra quá nhiều chuyện trong đánh bắt hải sản, tàu gỗ nhỏ, không đi xa được, loanh quanh kiếm không đủ tiền dầu mỡ, chi phí đánh bắt. Còn trên bờ thì nay mới buộc phải công nhận những năm qua nước mình “nhẹ dạ cả tin”, mở cửa cho “bạn tốt” vào đầu tư kém hiệu quả, lại kèm theo bao chuyện phức tạp…
- Bây giờ gỡ ra đã muộn, chấn chỉnh cũng còn khó.
- Khó ở như vấn đề tiền thôi. Nước nghèo phải chấp nhận.
- Có những thứ giàu mà vẫn thành nghèo. Tài nguyên khoáng sản nhiều nhưng khai thác vẫn do “tặc” làm. Nào lâm tặc, vàng tặc, cát tặc, thiếc tặc… đào bới lanh tanh bành đất nước, ai đào người đó ăn cả, Nhà nước không thu được gì vì đến nay mới nhớ ra chưa có luật thu tiền khi cấp phép khai mỏ, toàn là… “cho không”!
- Chẳng nói đâu xa, ngay nông dân Nam Bộ mỗi vụ thu hoạch lúa lại bị tổn thất đến 13,7%. Nếu lấy giá lúa 5.000 đồng/kg mà tính thì để rơi mất 13.700 tỷ đồng/năm.
- Úi giời! Gánh vàng đi đổ à? Ở miền Bắc dân mình gặt xong phơi khô quạt sạch, thóc đổ bồ, rơi vãi vài hạt cho gà kiếm chác, chả mất đi đâu.
- Miền Bắc ta làm gì có nhiều ruộng. Nhà nào có 3 sào Bắc Bộ (360m2 x 3) là chỉ đủ thóc ăn. Trong Nam ruộng thẳng cánh cò bay, làm ăn lớn mà nhiêu khê lắm: Nào là gặt xong làm khô sơ bộ, đem xay xát độ ẩm cao, vận chuyển vào kho chứa tạm dăm bảy ngày, rồi sang công đoạn xát trắng, lau bóng, sấy lần nữa đến độ ẩm 14%, bảo quản tạm gạo khoảng 3 tháng để chờ cả một chuỗi cung ứng sau thu hoạch còn dài, đến lúc bán cho tây tàu ở tận đâu, tiền về tay nông dân hòa là coi như thắng!