Bắt cóc bỏ đĩa
Theo phản ánh của người dân, một trong những tuyến đường thời gian qua có lượng lớn xe tải lưu thông qua đây là QL12C thuộc địa bàn huyện Kỳ Anh, khiến tuyến đường này xuống cấp một cách nghiêm trọng.
Đặc biệt là các loại xe tải 3-4 chân được kê thêm thùng để chở đá, đất từ các mỏ khai thác đá ở Kỳ Tân, Kỳ Hoa vào công trường Formosa.
Tuy nhiên khi lực lượng chức năng đặt trạm cân kiểm tra trọng tải xe trên tuyến đường này thì các tài xế lại né trạm cho xe vào các tuyến đường liên xã phá nát đường nông thôn.
Mới đây vào lúc 0 giờ 30 ngày 22.7, tại QL15A đoạn qua xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, lực lượng chức năng đã mật phục, bắt giữ 6 xe bồn mang BKS: 18R - 00042; 18C - 03227; 18C - 02663; 18C - 00019; 36C- 05931 chở xi măng quá tải từ Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn (Thanh Hóa) vào Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Qua kiểm tra cả 6 xe đều chở quá tải từ 100-150% tải trọng cho phép. Trong khi QL15A chỉ cho phép xe dưới 13 tấn thì mỗi xe bồn "siêu tải" có trọng lượng khoảng 90 tấn, nghĩa là gấp 7 lần trọng tải đường cho đi qua.
Ông Nguyễn Trần Toản - Phó Chánh thanh tra Sở GTVT, kiêm Trạm trưởng trạm kiểm tra tải trọng xe cơ giới Hà Tĩnh cho biết: Anh em làm nhiệm vụ tại trạm cân trên QL1A qua địa phận phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh nhiều lần thấy cả đoàn xe bồn không chở gì đi từ phía Nam ra nhưng không thấy đi từ Bắc vào.
Nghi ngờ nên chúng tôi đã cử người mặc thường phục, đi xe máy theo dõi ở phía bắc thị xã Hồng Lĩnh. Đêm 21.7, sau khi phát hiện một đoàn 6 xe bồn chở xi măng đang dừng tại phía bắc thị xã Hồng Lĩnh chờ "cò" dẫn đường né trạm cân rẽ lên QL8 chạy đến ngã ba Lạc Thiện rẽ sang QL15A.
Khi đoàn xe bồn chạy qua xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc đoàn liên ngành đã bố trí 2 tổ chặn hai đầu bắt giữ. Cũng theo một cán bộ trạm cân, việc xử lý xe quá tải né trạm như bắt cóc bỏ đĩa, lực lượng đón chặn ở tuyến đường này thì xe tải lại lách vào các tuyến đường khác.
Vào cuộc thiếu đồng bộ
Phóng viên NTNN đã về các địa phương ở Hà Tĩnh, khi tiếp xúc với người dân, họ không khỏi hoài nghi quề quy trình xử lý kiểm tra xe của lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông ở các huyện, thị.
Tại các huyện như Kỳ Anh, Hồng Lĩnh, Hương Khê rất nhiều đoàn xe tải đôn thùng chở đá, đất hay cây lâm nghiệp, gỗ chạy trên các tuyến đường liên thôn, liên xã nhưng không thấy bị xử lý.
Theo số liệu thống kê, sau 4 tháng tiến hành đặt trạm cân lưu động kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ, lực lượng liên ngành ở Hà Tĩnh đã cân kiểm tra hơn 2.500 xe, trong đó có hơn 450 xe vi phạm bị lập biên bản xử phạt 4,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc kiểm tra trọng tải xe vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt là khâu xử lý xe tải né trạm.
Lý giải về vấn đề này ông Phan Ngọc Quyết - Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết, ngoài lực lượng mỏng, có sự vào cuộc thiếu đồng bộ, thiếu chặt chẽ trong phối hợp giữa các lực lượng chức năng, ban, ngành, đặc biệt là chính quyền các địa phương.