Dân Việt

Đột nhập lò độ xe “đi bão”: Xe cùi thành “chiến mã”

Minh Trí 26/07/2014 07:51 GMT+7
Bỏ ra từ 5-20 triệu đồng, một chiếc xe bình thường đã trở thành “chiến mã” cho các nài xe trong các cuộc “đi bão”. Độ xe không còn là điều lạ lẫm với những dân chơi liều lĩnh.

Xe độ được chuộng là những loại như Dream, Wave, Mio. Những chiếc này có hình dáng thon gọn nên khả năng bứt phá trong giai đoạn nước rút hơn hẳn nhiều chiếc khác. Tốc độ của xe phụ thuộc vào trình độ làm máy của các tiệm. Thông thường để đua được, chiếc xe phải có khả năng chạy từ 130-160km/giờ.

Xe cùi thành “chiến mã”

Tiệm sửa xe H.H tại 84 Tân Khai, phường 4, quận 11, TP. Hồ Chí Minh hôm nào cũng có vài chiếc xe độ đến sửa. Có tiếng trong giới độ xe nên khi đem xe tới, nếu thỏa thuận được thì chủ tiệm báo giá làm luôn, không kỳ kèo lên xuống.

Một người trong giới độ xe cho biết, trong nhiều cuộc đi bão, những lò độ xe bí mật kiểu này thường tận dụng cơ hội để khuếch trương thanh thế. Chỉ cần xe của lò mình về nhất, các nài xe sẽ đua nhau đến đây kêu độ. Bởi vậy, độ xe mỗi lò đều giữ riêng cho mình một bí kíp.

Chiều 13.7, một thanh niên đem chiếc xe Wave đến đây đề nghị độ lại để cuối tuần “đi bão”. Chủ tiệm là một người đàn ông ngoài 40 tuổi, da ngăm đen, hỏi: “Xe này muốn độ lên bao nhiêu?”, thanh niên kia trả lời: “130km/giờ là được”. Sau hồi xem xét, chủ tiệm phán: “Xe này cần thay lại đầu nòng, bộ nồi, làm lại trái, pô. Lốc máy giữ lại để giống với giấy tờ zin. Tất cả hết 10 chai (10 triệu đồng - PV), đảm bảo đua nước rút không thằng nào lại. 3 ngày sau lấy”.

Một khách hàng sửa xe tại tiệm nghe vậy bèn hỏi: “Em có chiếc Dream cũ. Anh làm lại lên 140km/giờ được không?”. Chủ tiệm nói chắc nịch: “Xe cũ hay mới cứ đem tới đây đảm bảo xe nào cũng làm lên được”.

Vốn là tiệm có tiếng về độ xe tay ga, nên chủ tiệm xe A.S, 87 Ngô Quyền, quận 10 rất khó tính trong việc nhận xe khách.

Những tiệm này đều được yêu cầu ký cam kết không được đôn dên, xoáy nòng… và nằm trong tầm ngắm của cơ quan công an. Vì vậy, để hoạt động an toàn, không bị rút giấy đăng ký kinh doanh, chủ tiệm chỉ nhận lời độ xe từ mối quen giới thiệu. Còn với khách lạ, ông này chỉ nhận sửa xe bình thường.

Bên trong quán có chừng 3 chiếc xe tay ga lẫn số đang được bung máy để làm. Những chiếc xe ở đây đa số không có phần nhựa che bên ngoài, chúng lại được sơn, sửa và độ lại màu sắc, hình dáng khá lạ so với xe bình thường.

Dân đi bão cho biết, phần lớn các tiệm sửa xe máy đều có khả năng độ xe. Tuy nhiên, kỹ thuật cao để cho ra đời những chiến mã chạy tốc độ cực cao thì chỉ vài lò độ đủ khả năng. Nhiều tiệm còn thuê cả nài xe về, đưa xe của tiệm độ để đua lấy tiếng, quảng bá tên quán.

“3 chai rưỡi dán bố nồi, nếu muốn có thể thay dên lớn, pô, trái 58 ly là đủ chạy 130km/giờ” - một thợ sửa xe của tiệm H.N, nằm ngay ngã ba một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5 nói. Khách hỏi thời gian bảo hành, ông này nói ngay: “Xe đua không có vụ bảo hành. Chạy một đợt là quay lại sửa rồi”.

Tại một tiệm chuyên tiện, xoáy nòng cho các loại xe gắn máy, số 200 đường Lê Văn Lương, quận 7, một thợ ở đây cho biết, muốn xe lên 140km/giờ được phải làm lại đầu nòng, piston 60, nồi cam, đắp lốc. Giá 5 triệu, 10 ngày sau đến lấy.

Yêng hùng xa lộ

“Nếu một lò chỉ chuyên độ xe mà không có nài tham gia các cuộc đua thì khó có thể làm ăn khấm khá được” - Minh ròm, một tay thường xuyên đi bão đã giải nghệ, giờ làm nghề bán phụ tùng xe gắn máy cho biết.

Trước đây, những cung đường như tỉnh lộ 22, Võ Văn Kiệt, Trường Sa, Hoàng Sa, đường chui cầu Sài Gòn, đều hằn dấu lốp xe chiến mã của Minh ròm. Tuy nhiên, sau vài bận bị công an bắt phạt, tận mắt thấy “đồng nghiệp” của mình tử vì nghề nên Minh rửa tay gác kiếm.

Minh cho biết, các chủ lò độ thường tìm những thanh niên trẻ tuổi, thích tốc độ và có máu liều về đào tạo. Nếu bình thường để có một chiếc xe ngon, gắn nhiều hàng khủng, người chơi phải bỏ ra không ít tiền. Nhưng khi được nhận vào lò, có xe chạy, lại hưởng 5-10% hoa hồng tiền cược mỗi trận đua nên nhiều người nhanh chóng gật đầu. Đổi lại, các lò độ xe sẽ càng được dân độ biết tiếng và đưa xe đến độ. Trung bình mỗi chiếc xe độ 20 triệu đồng thì chủ lò lời đến phân nửa.

Để thành tay đua cho các lò độ xe, không phải nài nào cũng đủ tiêu chuẩn. Vì vậy, trước những cuộc đua mang tính sống còn, các chủ lò sẽ tổ chức những cuộc đua nhằm tìm ra nài giỏi nhất trong lò. Sau khi tìm được người đủ chuẩn, chủ lò sẽ dồn hết sức huấn luyện và hướng dẫn cho nài đua cách hoạt động của xe mình sao cho tốt nhất.

Nếu đua thắng, các tay nài sẽ càng có tiếng nói trong giới đua xe. Tiền công mỗi trận sẽ tăng lên đáng kể, từ vài triệu đến cả chục triệu đồng. Cá biệt có nài xe tên Phong, quận 9, chạy rất liều. Trong các cuộc đua hầu hết đều về nhất nên nhiều lần được chủ trả 50 triệu đồng. Tuy nhiên, cách đây một năm, khi gần về đích, xe của Phong va chạm với một xe khác. Hai người văng xa hàng chục mét. Phong sống sót nhưng giờ sống thực vật.

“Lính ra trận, mùi thuốc súng kích thích nên cứ lao về phía trước. Còn dân đua xe thì tiếng nẹt pô, hò hét cũng đủ khiến họ quên hết mình là ai” - Minh chiêm nghiệm. Cũng có người đua xe để kiếm tiền, tuy nhiên, số này khá hiếm. Có nài không cần tiền của chủ lò. Chỉ cần có xe ngon với họ là đủ.

  Khoản 2, Điều 55 Luật Giao thông đường bộ (13.11.2008) quy định: Chủ phương tiện không được tự ý thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. 

Điểm b, Khoản 4, Điều 17 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP (13.11.2013), quy định phạt tiền từ 800.000-1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông. 

Điểm c, Khoản 5, Điều 17, quy định ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung bị tịch thu phương tiện và giấy phép lái xe 2 tháng.