Dân Việt

Hồi ức không thể nào quên về những liệt sĩ đảo Trường Sa

Hoài Thu – Hồng Đức 27/07/2014 13:01 GMT+7
Ông Thọ không ngờ rằng, ngày con trai về phép trước khi lên đường bảo vệ biển đảo Tổ quốc, cũng từ đó anh không bao giờ về nữa. Những lúc nhớ con, người cha ấy chỉ biết ôm di ảnh của con mà khóc, khóc cho đến khi mắt lòa đi...
Mắt lòa vì thương nhớ con

Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Văn Thọ (68 tuổi) và bà Nguyễn Thị Mỵ (68 tuổi), cha mẹ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thi (SN 1975, xóm 1, xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Anh Thi là một nhân viên báo vụ, thời gian anh làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa còn thiếu thốn hơn bây giờ rất nhiều. Những chiếc xuồng CQ để cho bộ đội tuần tra cũng chưa có, phải dùng xuồng kéo dây. Trong một lần dông bão, xuồng bị cuốn trôi, anh đã lao ra cứu xuồng và hy sinh giữa dòng nước dữ (năm 2001). Lúc đó, anh mới được kết nạp vào Đảng được 10 ngày.

img

Chiếc đài cát-xét là kỷ vật cuối cùng của anh Thi để lại cho bố mẹ.
 

Hơn 10 năm qua, mỗi khi nhớ con trai, ông Thọ lại đem giấy báo tử cùng với với chiếc đài cát–xét ra xem. Hai bàn tay ông đen sạm, gân guốc mân mê chiếc đài cát–xét, dù một bên mắt đã lòa nhưng dòng nước đặc quánh vẫn lăn dài trên gò má khi nhắc đến anh.

Người nhà kể, từ khi con trai hy sinh, không đêm nào ông không khóc, dần dần một bên mắt phải mờ đi rồi mù hẳn. Cũng từ đó, sức khỏe của ông cũng cạn dần, khuôn mặt ông cũng in nhiều vết nhăn hơn, vết vì sương gió, vết vì thương con...

Ông Thọ kể lại, năm 1994 sau khi tốt nghiệp THPT, anh Thi không thi đại học mà đăng ký tham gia nhập ngũ. Lần thứ nhất anh đóng quân tại đảo Đá Tây; lần thứ 2 ở đảo Phan Vinh; lần thứ 3 ở đảo Trường Sa Đông. Suốt những năm sau đó, dù nhớ mẹ thương cha, nhưng vì nhiệm vụ, anh cũng ít khi về thăm quê. Trong những cánh thư gửi cho gia đình, người lính ấy luôn áy náy nỗi niềm không thể về thăm cha mẹ. Biết kỷ luật quân đội nghiêm ngặt, vợ chồng ông Thọ không bao giờ trách cứ, mà còn viết thư động viên con cố gắng công tác tốt.

Nhắc đến người con trai thứ 3 của mình, mắt ông Thọ ngân ngấn nước: “Nó là đứa hiền lành, thương cha mẹ lắm. Những ngày còn ở nhà, ngoài giờ đi học nó lại ra đồng bắt con tôm, con cá về phụ giúp gia đình. Không hiểu sao, hôm nào nó đi cũng bắt về được rất nhiều tôm cá. Qua những lá thư viết vội hay những cuộc điện thoại ngắn ngủi, nó đều dặn cha mẹ phải giữ gìn sức khỏe, cũng đã không ít lần nó kể về những hành động gây hấn ngang ngược của Trung Quốc, nhưng vẫn dặn cha mẹ cứ yên tâm… Trong thư nó còn hứa “khi nào về, con sẽ ra đồng bắt lươn về làm một bữa thật thịnh soạn, mời mọi người. Nào ngờ…”.

Ban đầu, anh Thi tham gia nhập ngũ để thực hiện trách nhiệm của một người công dân với quê hương, đất nước. Nhưng sau bao năm gắn bó với biển đảo, anh thấy “đây là lúc đất nước đang cần”, cùng với những lời động viên của cha mẹ, anh em, bè bạn nên năm 1998 anh đã làm đơn tình nguyện chuyển sang lính chuyên nghiệp.

Câu chuyện đưa ông về dòng ký ức đau buồn. “Ngày đó, tình cờ tôi nghe phong thanh từ lời một người bán chè dạo ở xã bên nói: Có một chiến sĩ người Hoằng Minh hy sinh ở đảo Trường Sa. Vợ chồng tôi rụng rời chân tay nhưng vẫn không tin đó là sự thật, và vẫn mong có sự nhầm lẫn nào đó. Vượt lên nỗi đau, cả gia đình chạy ngược chạy xuôi dò hỏi, mãi mấy tháng sau, tôi có nhờ được một người quen điện vào Khánh Hòa thì biết đó là thật. Khi nghe tin, tôi đã ngất ngay tại bưu điện… Một thời gian sau, khi nhận được giấy báo tử, gia đình mới thực sự tắt hy vọng”, ông Thọ ngậm ngùi.

Do điều kiện không cho phép, mãi 10 năm sau, hài cốt của anh mới được đưa về quê hương. Lời hứa “trở về” sau 10 năm mới thực hiện được, nhưng chỉ còn điều anh không thể cười, không thể gọi cha mẹ được nữa...

Giờ đây, ngoài chiếc đài cát-xét mà anh để lại cùng với tấm di ảnh thờ thì chẳng còn kỷ vật nào. Ông Thọ lý giải: “Cứ nhìn vào những đồ vật liên quan đến con là vợ chồng tôi lại không cầm lòng được, vì vậy khi đưa hài cốt con về nghĩa trang liệt sĩ Hoằng Hóa an táng, gia đình đã hóa hầu hết đồ vật theo cùng con”. Nhưng chúng tôi biết, với người gần 50 năm tuổi Đảng như ông Thọ, những ký ức về anh Thi sẽ chẳng bao giờ phai mờ được.

Nhiều năm qua, ông bà vẫn sống cùng với gia đình người con trai thứ 2 tại xã Hoằng Minh. Nhưng từ ngày anh Thi hy sinh, sức khỏe của cả hai đã trở nên suy sụp, cả 2 ông bà đều mắc bệnh tiểu đường, vì khóc thương con nên ông Thi đã bị mù bên mắt phải...

Lần về phép, cũng là lần cuối gặp con

Rời gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Thi, chúng tôi đến thăm gia đình liệt sĩ Lê Văn Tuấn (SN 1988, quê ở xã Quảng Đức, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa), thuộc Tiểu đoàn 474, Lữ đoàn 147 – Vùng 4 Hải quân, hy sinh tại cầu Cảng đảo Trường Sa Lớn (năm 2010) trong một đêm đang làm nhiệm vụ.

img

Bà Lê Thị Trường – mẹ của liệt sĩ Tuấn tâm sự: "Nguyện vọng của chúng tôi là đưa bằng được con trở về với ông bà, tổ tiên".

Tiếp chúng tôi là ông Lê Văn Tươi (SN 1958) và bà Lê Thị Trường (SN 1960) – bố mẹ của liệt sĩ Tuấn. Nhìn khuôn mặt khắc khổ ấy, ít ai nghĩ rằng cả 2 ông bà mới chỉ có ngoài 50 tuổi. Bởi những năm qua, họ đã cạn hết nước mắt vì nhớ thương con.

Bà Trường chia sẻ: “Tuấn là con trai út, trên Tuấn còn một anh. Sau khi tốt nghiệp THPT, năm 2008 Tuấn lên đường nhập ngũ. Nó ngoan và thương bố mẹ lắm. Ngày ở nhà thì không nói làm gì, những ngày trong quân ngũ, mỗi lần được về phép, nó lại ra đồng phụ giúp bố mẹ… Khi được chuyển sang bộ đội chuyên nghiệp, nó điện về bảo: Bố mẹ trả bớt ruộng rồi bỏ luôn cả nghề làm gạch đi, giờ có lương rồi, con sẽ gửi tiền về phụ thêm cho bố mẹ đỡ vất vả… Chỉ còn ít tháng nữa thôi, con được trở về đất liền, lúc đó con sẽ về thăm bố mẹ…”.

Vậy mà lời hứa đó vĩnh viễn không bao giờ thực hiện được nữa. “Tuấn được về phép trước khi chuyển công tác ra đảo Trường Sa. Và đó cũng là lần cuối cùng chúng tôi được gặp nó”, bà Trường nghẹn ngào.

Ông Tươi tâm sự: “Ngày nó hy sinh, nhưng điều kiện không cho phép nên gia đình không thể đưa thi hài Tuấn về quê an táng được. Nguyện vọng của chúng tôi là đưa bằng được con trở về với ông bà, tổ tiên. Giờ cũng chỉ mong nhanh nhanh đến ngày đó thôi”.

Được biết, bà Trường cũng có 2 anh trai là liệt sĩ.