Đa phần trẻ em bị tật do chủ quan và tuỳ tiện của người lớn.
Dự án "Phòng chống mù lòa cho trẻ em TP. Hà Nội" được triển khai trong 3 năm, từ tháng 1.2010 đến tháng 12.2012 với tổng kinh phí hơn 500.000 USD do Bệnh viện Mắt Hà Nội phối hợp với Quỹ Fred Hollows VN tiến hành. Bệnh viện Mắt Hà Nội đã khám cho hơn 39.000 trẻ từ 1-14 tuổi và phát hiện ra 13.558 trẻ mắc tật khúc xạ cần được chỉnh kính, chiếm 35,5%.
Bệnh của xã hội hiện đại
Dùng máy tính, chơi game nhiều là một trong những nguyên nhân gây tật khúc xạ ở trẻ. |
Tật khúc xạ không phải bệnh của mắt mà chỉ là thị lực giảm, khả năng nhận biết mọi vật xung quanh yếu. Các loại tật khúc xạ thường gặp ở trẻ em là: Cận thị, viễn thị, loạn thị và chênh lệch khúc xạ giữa hai mắt (lệch khúc xạ).
Quá trình khám cho thấy, hơn 30% các em bị cận, 32% bị lệch khúc xạ và các loại tật khác. Chỉ có khoảng 20% các em bị tật khúc xạ do yếu tố di truyền, còn hơn 80% là do lối sống tuỳ tiện, khiến mắt làm việc quá tải như: Chơi game, xem ti vi nhiều và không đúng cự ly, học tập nhiều, hiệu số bàn ghế và ánh sáng không chuẩn…
Cuộc sống càng hiện đại, càng nhiều áp lực thì trẻ càng dễ bị tật khúc xạ. Trẻ em ở thành phố cũng có tỷ lệ tật khúc xạ cao hơn các địa phương khác, học sinh trường điểm bị cận, loạn nhiều hơn trường bình thường.
Theo nghiên cứu năm 2006 của tôi tại Trường THCS Amsterdam, có tới 78% học sinh bị tật khúc xạ và đa phần các em đều không được đeo kính để điều chỉnh. Các em học càng nhiều càng dễ bị cận.
Không thể xem thường
Tuy tật khúc xạ khá phổ biến ở trẻ nhỏ, nhưng nhìn chung các thầy cô, cha mẹ đều không coi trọng vì cho rằng đó không phải bệnh "chết người". Tuy nhiên, nếu tật bị nặng, nhìn không rõ, sức học của trẻ sẽ giảm sút rõ rệt.
Để nặng hơn sẽ khiến trẻ bị nhược thị, mắt kém hẳn không thể chữa hoặc gây lác mắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ của trẻ. Khi mắt kém, trẻ em thường có biểu hiện nheo mắt, nghiêng đầu, vẹo cổ khi nhìn, đôi khi nhức đầu, nhức mắt.
Trên lớp học, do không nhìn rõ bảng nên trẻ thường chép bài sai, không đọc rõ chữ. Khi xem ti vi, trẻ phải nhìn gần, mắt nheo nhiều thì chính xác con bị tật khúc xạ. Vì thế, cha mẹ nên chú ý đến các biểu hiện "kém mắt" của trẻ để kịp thời đi khám hoặc đưa con đi khám định kỳ 3 tháng một lần. Tật khúc xạ rất dễ mắc nên có thể tháng trước trẻ chưa bị nhưng tháng sau mắt đã kém.
Nếu được phát hiện sớm, việc chỉnh kính để đưa mắt về "chính thị" không khó. Các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa mắt cũng có những bài tập tương ứng đối với từng loại tật của mắt. Ngoài ra, các nhà trường phải có bàn ghế đúng hiệu số, ánh sáng đảm bảo, uốn nắn học sinh ngồi đúng tư thế, chế độ vui chơi và dinh dưỡng hợp lý.
Ở nhà, bố mẹ nên hướng dẫn các con ngồi học, đọc truyện đúng tư thế, đảm bảo ánh sáng đầy đủ, không cho con chơi game quá 30 phút, không học quá 45 phút. Khi học lâu cần nhắc con đứng dậy chạy ra môi trường có ánh sáng, nhìn ra xa hoặc nhắm mắt nghỉ ngơi trong ít phút.
Tiến sĩ, bác sĩ Trịnh Thị Bích Ngọc
(Phó Giám đốc Viện Mắt Hà Nội)