Nhà của Bắc và Chiến đều ở thôn Xa Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Thay cha mẹ nuôi 2 em ăn học
Để đến được nhà thủ khoa Trịnh Văn Chiến, chúng tôi phải gửi xe ở bên ngoài và đi bộ vào vì con ngõ nhỏ sâu hun hút, lầy lội bùn đất, phân trâu bò. Căn nhà nhỏ lợp mái fibro ximăng mùa hè thì nóng như “lò bát quái” còn mùa đông thì gió lùa rét căm căm. Nhưng Chiến cho biết, để có được chỗ chui ra chui vào này, gia đình em đã phải đánh đổi hơn chục năm bố mẹ, con cái phải sống xa nhau.
Gia đình Chiến chỉ có 1 sào ruộng, vì vậy, lúc Chiến học lớp 3 bố mẹ đã phải gửi em và em trai thứ hai cho bác để vào Nam kiếm sống. Khi Chiến học lớp 8, em cùng 2 em trai (một em học lớp 5, một em học lớp 1) đưa nhau về căn nhà này “ở riêng”. Vậy là suốt 5 năm Chiến thay bố mẹ chăm sóc, dạy bảo 2 em khi mình mới chỉ tròn 13 tuổi – đang ở tuổi ăn tuổi học và tuổi cần được bố mẹ bảo ban chăm sóc.
“Lúc đầu 3 anh em ra ở riêng em cũng sợ lắm, nhất là buổi tối chỉ sợ ma, nên 3 anh em thường học bài sớm rồi đi ngủ, bật đèn cả đêm không dám tắt. Nhưng sau đó em quen dần” - Chiến kể. Mỗi sáng, em thường phải dậy sớm rang cơm nguội cho các em ăn rồi đưa các em đi học, sau đó mới đến trường. “Thức ăn hàng ngày thỉnh thoảng em mới mua vào buổi chiều khi đi học về, còn 3 anh em thường chỉ ăn con tôm, con cá, mớ rau hay quả trứng được các cô các bác mang cho” - cậu ngậm ngùi nhớ lại.
Lo cho 3 đứa con nhỏ phải tự nuôi nhau, bố mẹ Chiến đã cố gắng làm việc, chắt bóp mỗi tháng gửi về cho các con 1 triệu đồng.
Chiến kể, sợ nhất là những lúc các em bị ốm. Có lần thằng nhỏ bị đụng xe, thằng lớn bị đau bụng em không biết làm thế nào phải chạy đây đó gọi các bác sang giúp đỡ. “Buổi tối, ngoài việc học bài, em cũng phải dạy cho các em học. Cũng có khi phải mắng, phạt và đánh đòn vì có đứa không chịu nghe lời” – Chiến chững chạc nói.
Thương bố mẹ vất vả, vừa thi xong ĐH, Chiến đã theo chị họ ra Hà Nội… kiếm việc làm thêm. “Em ra Hà Nội 3 ngày để dò xem có chỗ nào cần người làm để đi làm ngay chứ không chờ đến khi nhập học” – Chiến tâm sự.
Nói về lý do thi vào khoa Chính trị học của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Chiến cho biết em có “tham vọng” sau này sẽ làm được việc có ích cho nhiều người nếu có vị trí nhất định trong xã hội: “Mọi người khuyên em chọn trường nào sau này ra làm kinh tế, nhưng em lại rất thích học chính trị. Em sẽ cố gắng để theo đuổi được giấc mơ của mình”.
Hai mẹ con nương tựa nhau
Cách nhà Chiến vài cổng, chung trong con ngõ nhỏ ấy, thủ khoa Kiều Văn Bắc cũng có hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt. Bố Bắc hiện sống với vợ khác cách nhà mẹ con Bắc không xa.
Suốt 18 năm trời, 2 mẹ con Bắc nương tựa vào nhau ngày hai bữa cơm rau mắm, thỉnh thoảng mới dám mua vài cái đậu. Cô Biên (mẹ Bắc) mấy ngày nay cứ ra vào không yên khi biết con mình đỗ đại học. Cô Biên một mình làm 3 sào ruộng khoán, nuôi gà và một con lợn đẻ. Trước đây, những lúc nông nhàn cô thường đi gánh gạch thuê cho các lò gạch, nhưng giờ sức khỏe yếu (còn 38kg) các lò gạch lại phá bỏ thành ra cô... thất nghiệp. Tiền nhập học cho Bắc tới đây đang phải trông chờ vào đàn lợn giống. “Mỗi lứa lợn cũng phải chịu người ta đến 5 triệu tiền cám, bán lợn trả nợ xong cũng chỉ dư được một chút” – cô Biên nói.
Nghĩ đến 5 năm cho con học ĐH cô Biên đã tính đến việc sẽ phải vay vốn sinh viên. “Mấy hôm nay tôi đã hỏi dò hàng xóm, cũng đã vay vốn cho con đi học, nhưng ở đây hình như không phải ai cũng vay được, khó khăn lắm” – cô Biên đánh rơi tiếng thở dài.
Biết khó khăn của mẹ, trước khi nộp hồ sơ Bắc đã có ý định thi vào trường quân sự để đỡ tốn tiền học phí, nhưng khi đi sơ tuyển thì không đủ sức khỏe, mắt lại bị cận. Bản thân Bắc cũng thường xuyên ốm đau. Mẹ Bắc cho biết, suốt năm lớp 11, cứ 2 tuần Bắc lại phải nghỉ học 1 lần vì đau đầu do học nhiều, ăn ít, rối loạn tiền đình.
Tuy vậy, chàng thủ khoa vẫn quyết tâm thi khoa công trình để sau này trở thành một kỹ sư. “Biết là bây giờ mới chỉ là bước khởi đầu, còn đầy khó khăn phía trước nhưng em tin mình sẽ làm được. Em sẽ cố gắng tạo lập một cuộc sống tốt đẹp hơn cho hai mẹ con em” – Bắc nói.