Sự trùng hợp ngẫu nhiên
Mạng của Cục Hải sự Liêu Ninh cho biết từ 16 giờ ngày 25.7 đến 16 giờ ngày 1.8, quân đội Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ quân sự ở eo biển Bột Hải, phía Bắc Hoàng Hải, yêu cầu tàu thuyền không đi vào khu vực này.
Tương tự, từ 8 giờ đến 18 giờ trong các ngày 26.7 đến ngày 1.8, Bắc Kinh tiến hành huấn luyện bắn đạn thật ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ; từ 0 giờ đến 18 giờ trong các ngày 29.7 đến 2.8, tiến hành huấn luyện sử dụng vũ khí thực tế ở Biển Hoa Đông.
Riêng đợt tập trận của Trung Quốc lần này gần vùng biển Việt Nam được cho là có quy mô lớn hơn những cuộc tập trận trước đây và trùng với thời điểm Bắc Kinh chuẩn bị lễ kỷ niệm ngày thành lập quân đội 1.8.
Tờ Bloomberg nhận định, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mở rộng tầm với của hải quân Trung Quốc và thường xuyên sử dụng “sức mạnh cơ bắp” để khẳng định chủ quyền phi lý trong khu vực, trong đó có việc cử tàu thuyền vào những vùng biển tranh chấp để gây sức ép và gây hấn với tàu của các nước láng giềng.
Bình luận về những động thái mới này của Trung Quốc, chuyên gia quân sự Trương Quân Xã (Zhang Junshe) thuộc Viện Nghiên cứu học thuật quân sự Hải quân Trung Quốc cho rằng, tuy lần này Hải quân Trung Quốc đồng thời tổ chức diễn tập quân sự ở 4 vùng biển lớn có quy mô và cường độ gia tăng so với cùng kỳ trước đó nhưng vẫn chỉ là các cuộc diễn tập thường lệ hàng năm và việc tiến hành diễn tập tại mấy khu vực trong cùng một thời điểm chỉ là sự “trùng hợp ngẫu nhiên”.
Chuyên gia này khẳng định Hải quân Trung Quốc diễn tập quân sự quy mô lớn do xuất phát từ tình hình chiến đấu thực tế, nhằm nâng cao hiệu quả thực chiến.
Ông Trương Quân Xã nhận định thêm, việc Hải quân Trung Quốc vẫn có thể tổ chức diễn tập đồng thời ở các vùng biển lớn cho thấy năng lực hành động của Hải quân nước này đang từng bước được tăng cường.
Sẽ còn nhiều động thái bất ngờ
Giáo sư Suh Jin-young, chuyên gia về Trung Quốc tại Trường Đại học Hàn Quốc nhận xét: “Các đợt tập trận lần này khác với các đợt tập trận trước ở chỗ Trung Quốc đang tiến hành theo một cách đình đám hơn, cho thấy nước này có vẻ như đang muốn làm cho căng thẳng quân sự leo thang. Trong khi, trong mắt người Trung Quốc, những căng thẳng lại bắt nguồn từ phía Nhật Bản và Mỹ và đương nhiên, những gì họ làm hôm nay chỉ là hoạt động thường niên”.
Giới chuyên gia quốc tế cũng có cái nhìn rất thận trọng khi cho rằng, việc Trung Quốc sẽ còn có nhiều động thái bất ngờ sau khi di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Giáo sư Carlyle Thayer - chuyên gia phân tích về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia cũng nhận định, từ nay cho đến tháng 5.2015, rất có thể Trung Quốc sẽ có những cuộc tấn công mới trong lĩnh vực thực thi lệnh cấm đánh cá của họ trên Biển Đông và thực hiện các hoạt động thăm dò dầu hỏa khác.
Đăc biệt, trong một chuyến thăm Trung Quốc gần đây, thuyết trình tại Quảng Châu, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton chỉ trích cách Trung Quốc muốn giải quyết song phương với các nước láng giềng về tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông.
Cựu Tổng thống Clinton nhấn mạnh, nước Mỹ không quan tâm đến giải pháp mà Bắc Kinh chọn lựa để giải quyết tranh chấp tại Biển Đông, nhưng Bắc Kinh phải lựa chọn một giải pháp mà các quốc gia nhỏ như Việt Nam hay Philippines không bị lấn át. Ông Bill Clinton cũng đã từng tuyên bố ủng hộ việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở vùng Biển Đông và Hoa Đông trong khuôn khổ đa phương, bởi theo ông, có như vậy các nước nhỏ mới không khỏi bị uy hiếp.