Có thể thấy vấn đề người nhà bệnh nhân gây rối, làm loạn bệnh viện, hành hung bác sĩ, y tá thời gian qua diễn ra khá phổ biến. Vào tháng 8.2011, tại Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư (Thái Bình), đối tượng Nguyễn Xuân Dũng cầm dao đâm chết một bác sĩ và đâm bị thương một bác sĩ khác sau khi thấy anh trai bị tử vong khi cấp cứu tại đây. Sau khi gây án, Dũng đã tâm sự với báo chí: "Việc làm của em là sai, nhưng em khẳng định là có căn nguyên vì bác sĩ quá thờ ơ. Em muốn nhắn gửi tới bố mẹ lời xin lỗi. Bây giờ thì đã quá muộn rồi!”.
Ở một vụ việc khác, vào tháng 10.2013, hàng nghìn người dân Thiệu Hóa đã đưa xe chở quan tài mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Xuân đến trước nhà riêng của bác sĩ Lê Văn Định - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa, sau đó có hành vi đập phá đồ đạc trong nhà bác sĩ này. Trước đó sản phụ Xuân nhập viện vào tối 17.10.2013, khi có biểu hiện chuyển dạ. Đến 3 giờ sáng 18.10, chị này bị đau dữ dội. Khoảng 2 giờ sau, các bác sĩ mới đưa sản phụ lên bàn đẻ, nhưng sản phụ và thai nhi đã chết sau đó.
Nhìn từ góc độ pháp luật, những hành vi như trên là không thể chấp nhận, việc xử lý nghiêm minh để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung là cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần có một cái nhìn khách quan từ cả hai phía khi xem xét ngọn nguồn sự việc do đâu mà ra. Nếu như sự bức xúc của người nhà bệnh nhân lại bắt nguồn từ sự thờ ơ, tắc trách của những người làm công tác chuyên môn cứu người thì cũng cần phải nhìn nhận lại vấn đề một cách công bằng.
Thông thường những đối tượng có hành vi phạm pháp tại bệnh viện (trừ những vụ côn đồ truy sát nhau) cũng xuất phát tự việc quá bức xúc cho người thân trong quá trình cấp cứu, điều trị. Đặt giả thiết một khi thấy người nhà vào bệnh viện được các y, bác sĩ thăm khám chu đáo, được động viên, chia sẻ để vững tin trước những ca bệnh phức tạp, chắc hẳn sẽ không gây ra những bức xúc mà sau đó có thể nhen nhóm dẫn đến hành vi sai trái.
Lâu nay chuyện các y bác sĩ có thái độ thờ ơ, hách dịch, quát nạt hay những vấn đề tiêu cực khác đã trở thành nỗi bức xúc cho không ít bệnh nhân cũng như người nhà khi đến khám chữa bệnh. Để chấn chỉnh vấn đề trên, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 07/2014 quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ y tế nhằm “xốc" lại đạo đức trong hoạt động của ngành y tế. Nếu các bệnh viện thực hiện tốt những chấn chỉnh này, chắc chắn một môi trường lành mạnh, dễ chịu và thân thiện sẽ được tạo ra trong các bệnh viện, để giúp bệnh nhân và người nhà giải tỏa bớt phần nào căng thẳng mỗi khi sức khỏe có vấn đề.