Đây là một dấu mốc lớn đánh dấu quá trình hội nhập khu vực của Việt Nam cũng như tiến trình hợp tác, liên kết của cả khu vực.
Các trưởng đoàn tham dự Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN chụp ảnh chung. (Ảnh: Hữu Hưng/TTXVN)
28.7.2014 là ngày tròn 19 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Trong 19 năm qua, sự tham gia của Việt Nam đã góp phần tích cực thúc đẩy tiến trình liên kết khu vực, duy trì hòa bình ổn định và đưa ASEAN trở thành một tổ chức gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn, tiến tới một cộng đồng chung vào năm 2015.
Nhân dịp kỷ niệm ngày Việt Nam gia nhập ASEAN, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã trả lời phỏng vấn báo chí. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Thứ trưởng đánh giá như thế nào về quyết định gia nhập ASEAN năm 1995 của Việt Nam?
- Nếu chúng ta nhìn lại thời điểm năm 1995, tôi cho rằng đây là quyết định rất quan trọng có ý nghĩa cả ở tầm quốc gia và khu vực. Ở tầm quốc gia thì đây là quyết định đã tạo cho chúng ta gắn kết với khu vực, cùng với khu vực xây dựng một môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác, phục vụ cho hai nhiệm vụ chiến lược là bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Thứ hai, quyết định này đã tạo cơ hội và tạo đà cho Việt Nam hội nhập khu vực, từ hội nhập khu vực đến hội nhập quốc tế; đồng thời giúp Việt Nam tăng cường và nâng cao vị thế hình ảnh của mình, mở rộng hợp tác với các nước không chỉ trong khu vực mà với cả các nước đối tác lớn và các nước trong cộng đồng quốc tế.
Còn ở tầm khu vực, vào thời điểm đó, khu vực Đông Nam Á còn rất nghi kỵ, thậm chí căng thẳng và đối đầu với nhau thì việc ASEAN kết nạp Việt Nam cũng như Việt Nam gia nhập ASEAN đã tạo cho môi trường khu vực gắn kết lại với nhau hướng tới một ASEAN gồm 10 nước Đông Nam Á. Với việc Việt Nam tham gia, ASEAN có điều kiện hơn để hướng tới xây dựng cộng đồng và đóng góp vai trò trung tâm của mình trong hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực.
Tôi muốn nói đến câu chốt quan trọng của nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm là quyết định tham gia ASEAN vào thời điểm năm 1995 của Việt Nam là quyết định đúng đắn, có ý nghĩa lịch sử và được cả ASEAN và Việt Nam cần.
Xin Thứ trưởng cho biết những cái được khi Việt Nam gia nhập ASEAN?
- Nếu như chúng ta nhìn lại toàn bộ quyết sách của Việt Nam tham gia ASEAN và quá trình tham gia ASEAN trong thời gian vừa qua thì chúng ta có thể thấy thứ nhất, chúng ta có được môi trường hợp tác hòa bình, ổn định trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành đổi mới, khắc phục hậu quả của chiến tranh để hướng tới hội nhập vào khu vực và quốc tế. Thứ hai, giúp cho Việt Nam phát triển về kinh tế, tranh thủ sự giúp đỡ, đầu tư của các nước ở khu vực. Thứ ba, giúp cho nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam, Việt Nam không chỉ mở rộng quan hệ song phương với các nước trong khu vực, mà còn với các nước, các đối tác lớn là đối tác của ASEAN.
Thứ trưởng có thể nêu những đóng góp nổi bật của Việt Nam vào tiến trình hội nhập ASEAN?
- Có thể nói trong tiến trình hội nhập ASEAN, Việt Nam từng bước phát huy được vai trò chủ động, trách nhiệm và rất tích cực trong lĩnh vực này. Những đóng góp nổi bật, gồm thứ nhất là thúc đẩy đoàn kết ASEAN, một ASEAN muốn vững mạnh phải đoàn kết. Thứ hai, chúng ta đã góp phần vào những quyết sách định hướng cho hoạt động tương lai của ASEAN cũng như hiện tại của ASEAN, trong đó có mục tiêu hướng tới cộng đồng. Thứ ba là Việt Nam đã cùng các nước ASEAN phát huy vai trò của ASEAN trong các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh khu vực. Nếu nhìn vào vấn đề Biển Đông trong suốt thời gian qua thì đóng góp của Việt Nam rất tích cực.
Trong gần hai chục năm tham gia ASEAN, Việt Nam từng đảm nhận những cương vị khác nhau trong việc chủ trì điều hành ASEAN. Chúng ta có thể thấy, sau khi gia nhập ASEAN được ba năm, năm 1998 Việt Nam đã chủ trì Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6. Rồi sau đó vào năm 2000 và năm 2001, Việt Nam là Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN. Trong những dịp này đều có những tuyên bố quan trọng của ASEAN.
Đáng chú ý nhất là năm 2010, Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN theo quy định của Hiến chương. Việt Nam đã có một năm làm tròn trách nhiệm Chủ tịch ASEAN với những quyết sách lớn của ASEAN, bao gồm đưa Hiến chương ASEAN và Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đi vào cuộc sống, đưa bộ máy mới của ASEAN đi vào hoạt động chính thức, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, đặc biệt là trong vấn đề hòa bình, ổn định hợp tác trong khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Năm 2010 là năm tạo tiền đề cho ASEAN thực sự đi vào Lộ trình xây dựng Cộng đồng.
Hiện tại chúng ta đang đóng góp vào việc xây dựng Chiến lược của ASEAN cho tầm nhìn ASEAN sau năm 2015. Sự tham gia của Việt Nam đã được các nước ASEAN, các nước trong khu vực cũng như các nước đối tác của ASEAN đánh giá cao.
Thưa Thứ trưởng, trước những thách thức đang nổi lên trong khu vực trong thời gian gần đây thì các nước ASEAN cần phải làm gì?
- Chúng ta thấy rằng ASEAN đi vào xây dựng Cộng đồng trong môi trường khu vực có nhiều chuyển biến và biến động; đứng trước cả thách thức an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống; đứng trước cả thách thức nội tại cũng do những nhân tố bên ngoài tác động vào.
Vậy làm sao để ASEAN đi vào xây dựng Cộng đồng một cách mạnh mẽ nhất theo đúng tiêu chí và mục tiêu đã đề ra, tạo cơ sở cho phát triển sau 2015; bảo đảm cho môi trường hòa bình, phát huy vai trò trung tâm và đồng thời ASEAN mở rộng các đối tác? Tôi cho rằng có mấy điểm rất quan trọng mà ASEAN cần hướng tới để đạt được những tiêu chí và vượt qua những thách thức đó.
Thứ nhất, ASEAN phải đoàn kết, đồng lòng để có thể có được tiếng nói đối với những vấn đề đặt ra ở khu vực. Thứ hai là ASEAN phải xây dựng được nội lực của mình, mà quan trọng nhất ở đây là bảo đảm được Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. ASEAN có mạnh thì mới phát huy được vai trò của mình, đồng thời phát huy được tác dụng đối với từng nước thành viên. Thứ ba là ASEAN phải phát huy vai trò trung tâm trên các vấn đề hòa bình an ninh khu vực.
ASEAN đã xây dựng được một hệ thống các diễn đàn có liên quan đến hòa bình và hợp tác ở khu vực, cho nên ASEAN phải cùng với các nước đối tác nêu được tiếng nói tích cực và chủ động, trách nhiệm của mình đối với những vấn đề đặt ra. Chẳng hạn như trong vấn đề Biển Đông thì nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; nguyên tắc về tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông ( DOC), đồng thời phải ủng hộ các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không được đe dọa hay sử dụng vũ lực.
ASEAN phải phát huy vai trò rất quan trọng mà ASEAN đã làm được trong thời gian vừa qua. Đó là chủ động đề xuất và xây dựng, chia sẻ các chuẩn mực ứng xử khu vực để cho tất cả các nước không chỉ ở trong khu vực mà các nước đối tác tham gia hợp tác ở khu vực Đông Nam Á cùng tuân thủ những nguyên tắc đã được đặt ra và dựa trên nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Nếu đạt được điều đó, ASEAN sẽ phát huy được vai trò của mình và vượt qua được những thách thức đang đặt ra.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.