Dân Việt

Bi kịch của những “đôi đũa lệch”

28/07/2011 20:29 GMT+7
Dân gian có câu: “Chồng già vợ trẻ là tiên, vợ già chồng trẻ là tiên ba đời”, song thực tế có phải “cặp đũa lệch” nào cũng hạnh phúc như tiên, có chăng chỉ là những dằn vặt vì những phức tạp không thể hoá giải vì khoảng cách khó bù đắp…

Nỗi niềm chồng già - vợ trẻ

Nhắc đến chị Lê Thị Thu, ở phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm ai cũng ngưỡng mộ khi nói về gia đình hạnh phúc, êm ấm của vợ chồng chị. Hai vợ chồng đều là những người có học thức và thành đạt.

Chồng mở công ty riêng, điều hành gần 100 con người, kiếm tiền giỏi, còn chị đang làm kế toán trưởng cho một cơ quan nhà nước. Bạn bè thân đều lấy chồng chị làm hình mẫu người đàn ông lý tưởng, bởi anh là người hiền lành cưng chiều vợ vào loại hiếm có.

img

Ngược lại, trong mắt chồng, chị Thu là một người vợ trẻ đảm đang, thông minh và tháo vát. Thế nhưng, ở tuổi 28 chị Thu căng tràn sức sống, trong khi chồng chị đã bước sang tuổi 50. Chính bởi khoảng cách quá xa về tuổi tác đã khiến hai người có những sở thích sinh hoạt trái ngược nhau.

Vào dịp cuối tuần, khi chị Thu muốn chồng đưa đi xem phim, nghe nhạc, hoặc đi mua sắm cho gia đình để giải tỏa áp lực sau một tuần làm việc vất vả thì chồng chị lại bận… đi đánh tennis, đi chơi với bạn bè hoặc nằm khểnh ở nhà để nghỉ ngơi vì quá mệt sau 1 tuần làm việc căng thẳng. Và chẳng còn cách nào khác, chị Thu đành phải đi một mình, hoặc rủ bạn bè đi uống nước giải khuây.

Nhìn thấy vợ chồng đứa bạn cùng tuổi rủ nhau đi trà chanh, câu cá cuối tuần chị cảm thấy mủi lòng cám cảnh cho cuộc sống của mình. Cứ như vậy, khoảng cách tình cảm giữa 2 người ngày càng xa và chị Thu đã không kìm lòng trước tình cảm của một anh nhân viên cùng phòng, dù người này đã có vợ.

Mang mặc cảm tội lỗi vì đã lừa dối, phản bội chồng nhưng chị Thu lại không thể dứt bỏ vì chị không còn cảm thấy gia đình là bến đỗ bình yên cho mình…

Vợ già, chồng trẻ: ai thiệt hơn ai?

“Những gia đình mà chồng ít tuổi hơn vợ sẽ khó có hạnh phúc dài lâu” - đó là tâm sự chua xót của chị Thanh sau 5 năm chung sống với người chồng kém mình 8 tuổi. Chị Thanh lập gia đình khi đã bước qua tuổi 32, trong khi đó Quân, chồng chị lúc đó mới 24 tuổi.

Bỏ qua những rào cản về dư luận, tuổi tác họ đã đến với nhau. Chỉ sau vài năm chung sống, chị Thanh mới thấm nỗi khổ khi mình trở thành “cô trông giữ trẻ”, chiều chồng như chiều… trẻ con. Quân dần dần ỷ lại hết vào chị, từ chuyện chăm sóc gia đình riêng đến việc lo chu toàn cho hai bên nội ngoại. Dù có con nhỏ nhưng Quân suốt ngày chỉ lo ăn chơi, nhậu nhẹt cùng bạn bè thâu đêm suốt sáng, bỏ mặc vợ ở nhà vật lộn với cậu con trai chưa tròn 1 tuổi.

Thậm chí, đến đi chơi với bạn bè Quân cũng chẳng bao giờ dám đưa vợ đi cùng vì sợ họ lời ra, tiếng vào về vấn đề tuổi tác của hai người. “Bạn anh đều bằng tuổi anh, em đi cùng khó xưng hô và cũng khó nói chuyện lắm!”, Quân đã nhiều lần thẳng thừng với vợ như vậy.

Cũng bởi lẽ đó, giữa 2 người đã dần dần xuất hiện những dấu hiệu rạn nứt, bởi những trận cãi vã, chì chiết ngày một nặng nề. Cuộc sống gia đình không thể hàn gắn, chị Thanh đành nuốt nước mắt viết đơn ly dị và người chồng trẻ ngay lập tức ký vào lá đơn một cách lạnh lùng như một sự “giải thoát”…

Theo Thạc sỹ tâm lý Đinh Đoàn, những năm trở lại đây tình trạng những cặp vợ chồng có sự chênh lệch về tuổi tác tương đối xa không còn là chuyện hy hữu, thậm chí còn có chiều hướng gia tăng. Điều này không chỉ xảy ra với những người đàn ông lấy vợ trẻ hơn tuổi mà còn rơi vào những người phụ nữ lấy chồng trẻ hơn tuổi rất nhiều.

Nhu cầu hướng tới người tình từng trải của những người trẻ tuổi hoàn toàn có thể hiểu được trong xã hội hiện nay. Trước áp lực của cuộc sống hiện đại, những người bạn đời lớn tuổi thường đã có chỗ đứng nhất định trong xã hội, họ có công việc và nghề nghiệp ổn định nên những người trẻ tuổi cảm thấy an toàn và vững chãi khi lập gia đình.

Tuy nhiên, khi chung sống dưới một mái nhà, những va chạm về cuộc sống hàng ngày, những tính cách, sở thích của mỗi lứa tuổi khác nhau đã khiến họ cảm thấy phức tạp và khó dung hòa. Để có thể tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống, những gia đình “chồng già, vợ trẻ” hoặc “vợ già, chồng trẻ” thực sự phải có tình yêu đích thực, chỉ khi đó những khác biệt về tính cách, suy nghĩ, sở thích, tình dục mới được cả hai điều chỉnh để hòa hợp một cách có văn hoá.

Theo An ninh Thủ đô