Theo Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, phong tặng Danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng” (Mẹ VNAH) là một trong những chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm tôn vinh, tri ân những bà mẹ đã hy sinh thầm lặng, hiến dâng cho Tổ quốc những người con ưu tú. Chính sách này đã bước đầu bù đắp được những hy sinh thầm lặng của các mẹ.
Là Cục trưởng Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị trong thời kỳ 1993 - 2000, Trung tướng có thể chia sẻ về quá trình hình thành chính sách phong tặng danh hiệu Mẹ VNAH?
- Giữa tháng 5.1994, Ban Bí thư T.Ư Đảng triệu tập cuộc họp do Tổng Bí thư Đỗ Mười chủ trì để nghe Tổng cục Chính trị (TCCT) báo cáo về công tác chính sách mà trọng tâm là việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ hy sinh trong các cuộc chiến tranh. Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp- Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị là người trực tiếp báo cáo.
Sau khi nghe Tướng Đặng Vũ Hiệp báo cáo, Tổng Bí thư Đỗ Mười nêu ý kiến: “Về chính sách, cho đến nay, Đảng và Nhà nước ta chưa có sự tri ân thỏa đáng đối với những bà mẹ có nhiều người con hy sinh vì Tổ quốc”. Rồi ông nhấn mạnh: “Xét cho cùng, các mẹ liệt sĩ là những người có công lớn nhất trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc”. Vì thế, cuộc họp kết luận cần có chính sách tri ân dành cho các bà mẹ anh hùng. Thời kỳ đó, với cương vị Cục trưởng, tôi đã cùng các anh Phạm Lam, Đỗ Quang Bích - Phó Cục trưởng, các anh Nguyễn Văn Tình, Lê Thế Hải (Phòng Khen thưởng) và một số cán bộ nghiên cứu thuộc Cục Chính sách giữ vai trò điều tra, khảo sát, phản ánh và là những người trực tiếp chấp bút, biên soạn các văn kiện. Chúng tôi coi đó là một niềm vinh dự lớn.
Chính sách đó đã được triển khai thế nào, thưa Trung tướng?
- Chấp hành kết luận của Tổng Bí thư, đồng chí Lê Khả Phiêu- Chủ nhiệm TCCT và đồng chí Đặng Vũ Hiệp- Phó Chủ nhiệm TCCT đã giao cho Cục Chính sách nghiên cứu đề án. Trong một thời gian ngắn, Cục Chính sách đã cử cán bộ về các địa phương khảo sát số lượng, tình hình đời sống của các bà mẹ có nhiều con là liệt sĩ, cũng như nguyện vọng đề đạt của nhân dân và chính quyền địa phương.
Ngày 29.8.1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Mẹ Việt Nam anh hùng”. Tiếp đến, ngày 10.9.1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh đó. Tới ngày 17.12.1994, tức là chỉ sau gần 4 tháng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký quyết định tặng và truy tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng” đợt đầu tiên cho 19.879 mẹ trong cả nước.
Trung tướng đánh giá thế nào về chính sách và công tác chăm sóc Mẹ VNAH cho đến nay?
- Tính đến 2013, Nhà nước đã tặng và truy tặng Danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng” cho 49.069 mẹ. Khi Nghị định 56 được thông qua năm 2013, có thêm 11.000 mẹ được phong tặng và truy tặng. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiều năm qua, các địa phương, các ngành, đoàn thể trong cả nước đã dấy lên phong trào “Phụng dưỡng các Bà mẹ Việt nam anh hùng”. Riêng các đơn vị quân đội đã và đang phụng dưỡng 1.415 mẹ.
Đã xảy ra tranh cãi về việc bà mẹ có 2 con là liệt sĩ nhưng sau này tái giá thì không được phong tặng Mẹ VNAH. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
- Căn cứ vào quy định của Pháp lệnh 05 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghi định 56 của Chính phủ, tôi cho rằng: Người mẹ có 2 con là liệt sĩ, dù có tái giá, thì vẫn được xét tặng danh hiệu Mẹ VNAH bởi trong Nghị định không có dòng nào quy định mẹ của 2 liệt sĩ mà tái giá thì không được phong tặng. Nếu địa phương nào trả lời không phong tặng là sai. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay chúng ta bắt đầu phong tặng danh hiệu Mẹ VNAH ở thời bình. Tôi cho rằng nếu việc phong tặng Mẹ VNAH lại cản trở hạnh phúc riêng tư của họ thì không nên, dù là thời chiến hay thời bình. Còn nếu bà mẹ đó vẫn còn trẻ, sau này vẫn muốn tái giá, sinh con thì tốt nhất nên cân nhắc ngay khi được đề nghị làm hồ sơ phong tặng.
Một năm sau ngày Nghị định 56 có hiệu lực, nhiều bà mẹ đủ điều kiện xét tặng Mẹ VNAH còn sống nhưng vẫn phải… chờ đợi để được phong tặng. Theo Trung tướng, làm thế nào để các mẹ không còn phải chờ đợi?
- Năm đầu thực hiện chính sách, số lượng các mẹ được phong tặng và truy tặng nhiều, nếu làm theo tiến độ bình thường thì có thể bị chậm. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng có 2 cách làm: Hoặc là tập trung xét tặng cho những bà mẹ còn sống trước để các mẹ còn kịp hưởng chế độ, sau đó tiếp tục giải quyết truy tặng cho những mẹ đã từ trần; hoặc là huy động lực lượng lâm thời tăng cường cho các cơ quan chức năng xét duyệt để đẩy nhanh tiến độ, giải quyết hồ sơ với số lượng lớn. Đây cũng là cách tri ân thiết thực, góp phần bù đắp cho các mẹ ở tuổi xế bóng.
- Xin cảm ơn Trung tướng.