Câu chuyện cô bé 16 tuổi sinh con trong quán net râm ran cả tuần nay, khiến người ta vừa thương vừa giận. Thương em còn quá nhỏ để làm mẹ, giận em bồng bột chỉ vì “anh ấy đẹp trai”! Giận nữa, là kiến thức giới tính của em chắc chỉ quẩn quanh trong những quán net.
“Con còn nhỏ quá, biết làm gì?”
Đó là câu nói của anh Phạm Bá Hoàng Phúc, chủ một studio áo cưới ở quận 10, khi cậu con trai 11 tuổi hỏi: “Ba ơi, sao con đi ngoài đường thấy quá trời chỗ bán cái “núi lửa”, nó là cái gì vậy ba?” Anh kể: “Tôi nghĩ con biết cái gì đâu nên tính giải thích nó là chỗ bán bao cao su! Nhưng nói ra nó hỏi bao cao su là cái gì thì mệt nữa! Nên trả lời thế cho xong!”
Chị Ngọc Lan, quận Thủ Đức, có cô con gái 12 tuổi, kể: “Khi mẹ thay đồ, cháu cứ nhìn lom lom, tôi hỏi con nhìn gì, cháu nói: “Sao ngực mẹ to quá vậy?” Tôi nạt: “Con nít con nôi hỏi lung tung!” Thấy cháu im im, tưởng thôi, ai ngờ hôm trước đón cháu, tôi đi từ phía sau, nghe cháu nói với bạn chung lớp: “Ngực to cỡ mẹ tớ mới hấp dẫn!” Tôi hết hồn!”
Chị Lê Thị Minh Hoa, chuyên gia tư vấn tâm lý học đường, một hôm đi đón con, thấy một phụ huynh trạc tuổi mình cũng đang đợi con trước cổng trường. Chị bắt chuyện làm quen, phụ huynh kia than: “Thằng nhỏ hai bữa nay bị “bắt” học cái... giới tính gì đó, chuyện tầm bậy tầm bạ không hà.
Nó đem về hai cuốn sách mỏng, một cuốn cho trai, một cuốn cho gái, thấy kỳ quá!” Chị hỏi: “Trong đó viết gì mà chị thấy kỳ?” – “Hổng biết nữa, vì tôi… vứt sọt rác rồi! Tôi giấu cuốn sách dành cho con gái rồi vứt luôn, để lại cuốn kia thôi!” – “Sao lại vứt sọt rác, đó là sách học của con chị mà!” – “Học gì cái đó! Nhà trường chỉ tổ “vẽ đường cho hươu chạy!”
Cấm yêu – kế hoạch hoàn hảo?
Trần Thị Thanh Q., học sinh lớp 8 một trường THCS ở Tân Bình, yêu một anh lớp 9. Mới hẹn nhau uống nước lần thứ hai thì bị ba mẹ phát hiện. Ba Quỳnh bắt con quỳ suốt đêm ở sân thượng, đốt hết một bó nhang, vừa cầm nhang vừa đọc: “Từ nay con không dám yêu nữa!” Chiều hôm sau ba tới đón ở trường, không thấy Q.: cô bé đã bỏ nhà đi.
Nguyễn Thanh A. và Trương Thanh D. học cùng nhau từ lớp 6. Đến lớp 8, tự dưng hai đứa “có vấn đề”. Ngồi trong lớp, hai đứa vo giấy ném qua ném lại. Ra chơi, hai đứa dắt nhau cùng lên căntin uống nước. Thứ bảy chủ nhật hai đứa cứ bồn chồn, mong… đi học lại.
Phụ huynh cũng thấy lạ, cô giáo cũng thấy lạ. Rồi tình cờ gia đình hai bên biết “chúng nó” hẹn hò nhau đi uống cà phê. Hoảng quá, phụ huynh “bên này” hẹn gặp phụ huynh “bên đó”, sau một buổi bàn bạc thì đi đến thống nhất: cấm tiệt!
Hai bên đưa rước nghiêm ngặt, cài mã bí mật cho điện thoại bàn, internet, siết chặt tất cả “đầu mối” liên lạc thư từ, chuyển “đối tượng nam” qua học trường khác, cách trường cũ gần mười cây số! Mấy tháng sau, D. bỗng nhiên ít nói, có dấu hiệu trầm cảm, học hành sa sút nghiêm trọng. A. thì càng lúc càng khó trị, nổi loạn công khai, cha mẹ nói gì cũng cãi, thậm chí chưa nói đã cãi.
Quan trọng nhất là sự chân thành, cởi mở
Trẻ có khi thật sự tò mò nhưng không biết nói như thế nào, vì ngại nói hoặc sợ ba mẹ nghĩ ngợi nhiều về mình, nên khi ba mẹ nói chuyện chúng cứ gạt phắt hoặc lảng tránh. Với tình huống này, ba mẹ nên tinh ý và thường xuyên quan sát con, tìm cách tiếp cận con qua nhiều kênh thông tin khác nhau.
Chẳng hạn, mua những cuốn sách có liên quan đến vấn đề giới tính, viết hay, dễ đọc, để gần bàn ăn hay chỗ tivi, thể nào con cũng thấy. Hoặc tìm cách “ét nick” con trên các mạng xã hội, để biết con thực sự nghĩ gì, quan sát từng chuyển biến tâm tư của con.
Cũng có thể thử tìm một người bạn mà con thân thiết, để tìm hiểu xem bạn của con đã biết gì về giới tính. Khéo léo khai thác những thông tin liên quan xung quanh con, chắc chắn ba mẹ sẽ hình dung được con mình hiểu biết về giới tính tới đâu, từ đó có cách tiếp cận hiệu quả. Quan trọng nhất là sự chân thành, cởi mở. Có thể bắt đầu bằng câu: “Ba mẹ nghĩ các con bây giờ biết nhiều chuyện hơn ba mẹ ngày trước, con có thể trao đổi với ba mẹ về chuyện này, chuyện kia không?”
HỒ NGUYỆT THU, TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP TRUYỀN HÌNH CÁP VIỆT NAM, PHỤ TRÁCH CHUYÊN MỤC “GIẢI MÃ X – Y”:
“Cứ nói với con khi trẻ lên… ba”
Qua các chuyên đề giải mã giới tính, những vấn đề tuổi teen, khi trò chuyện với các ông bố, bà mẹ, tôi thấy có nhiều phản ứng khác nhau quanh chuyện trao đổi với con về giới tính. Phản ứng này tuỳ thuộc vào trình độ hiểu biết, cách sống của từng người.
Có những người thực sự “dị ứng” với chủ đề giới tính và luôn luôn tránh né vấn đề này. Có những người hiểu tầm quan trọng của việc giáo dục giới tính cho con, nhưng không đủ kiến thức để nói với con. Luôn luôn họ đều nói: “Quá sớm, còn quá sớm!” Nếu cứ nghĩ như vậy thì sẽ loay hoay với câu hỏi: mấy tuổi thì nói với con về giới tính? Theo tôi, cứ nói khi có thể.
Ví dụ: con lên ba thì chỉ cho con biết khác biệt giữa cơ thể trai và gái. Con lên năm thì giải thích cho con hiểu chức năng của từng bộ phận trên cơ thể, trong đó có cả bộ phận sinh dục. Con lên chín lên mười thì nói con biết về kinh nguyệt, về thay đổi kích thước các bộ phận cơ thể. Thậm chí, nếu con hỏi về tình yêu thì cứ nói về tình yêu! Nói càng cụ thể, càng rõ ràng, càng khách quan thì con sẽ càng tin cậy, đỡ phải tìm kiếm thông tin rối mù trên internet.