Dân Việt

Huyền Trân The Voice Kids: "Em là trẻ mồ côi, nên tay không búp măng cho được..."

29/07/2014 15:38 GMT+7
Chọn hát Còn tuổi nào cho em để dự thi The Voice Kids, Huyền Trân có lý do riêng. Trong ca khúc này, em tìm thấy câu chuyện, nỗi niềm của chính mình.

Xuất hiện trong tập 5 của The Voice Kids mùa 2 vào tối 26.7 vừa qua, cô bé quy y Huyền Trân với ca khúc Còn tuổi nào cho em đã lay động tâm hồn của khán giả. Tưởng chừng như với tuổi đời còn quá nhỏ, em khó lòng có thể truyền tải được những xúc cảm trong sáng tác của Trịnh Công Sơn, tuy nhiên điều bất ngờ xảy ra ngay khi cô bé cất giọng hát.

Giọng ca của Huyền Trân chất chứa nhiều tâm trạng, nỗi niềm vang lên quyện với từng lời ca khúc khiến tất cả mọi người phải lặng người. Thể hiện đúng tinh thần của nhạc Trịnh, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, tràn đầy cảm xúc, cô bé mồ côi đang quy y cửa Phật đã làm được điều mà tưởng chừng chỉ những ai trải qua nhiều trải nghiệm trong cuộc sống mới có thể truyền tải được.

Gặp gỡ cô bé sau khi chương trình lên sóng, Huyền Trân có phần rụt rè và khép kín. Tuy nhiên, nói đến nhạc Trịnh Công Sơn, đôi mắt em lại ánh lên niềm đam mê.

img

Huyền Trân trên sân khấu Giọng hát Việt nhí.

Em không thể có "Tay măng trôi trên vùng tóc dài"...

Nhạc Trịnh đến với Huyền Trân rồi dần len lỏi vào con người, tâm hồn của cô bé thật nhẹ nhàng và bình dị. Em kể: “Từ kia vào sống trong chùa, hằng ngày em được nghe nhạc Trịnh Công Sơn do sư thầy mở. Các anh chị cũng chỉ hát nhạc Trịnh cho em nghe, rồi từ đó, em cảm nhận và yêu thích lúc nào không hay”.

Thử tìm hiểu và nghe những dòng nhạc khác, nhưng Huyền Trân không tìm thấy được sự đồng cảm và con người của mình trong đó. Cô bé thành thật chia sẻ không thể thổi hồn vào được những ca khúc khác vì đơn giản, đó không phải là cuộc sống mà em có thể hiểu và chiêm nghiệm được: “Em nghĩ nếu mình hát dở thì mới đáng lo. Nếu hát đi vào lòng người, khán giả sẽ cảm thụ được nhiều hơn, nên em nghĩ mọi người sẽ không cảm thấy chán”.

Không hề biết đến chương trình Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên do không có điều kiện theo dõi, Huyền Trân đến với mùa thứ 2 một cách bất ngờ. Thấy cô em nhỏ có khả năng ca hát, một người anh trong chùa đã hỏi ý kiến sư thầy và Huyền Trân để đăng ký tham gia vòng sơ tuyển.

img

Huyền Trân và cô Cúc - người trực tiếp nuôi dưỡng em trong chùa.

 

Chọn hát Còn tuổi nào cho em, Huyền Trân cũng có lý do riêng. Trong ca khúc này, em tìm thấy câu chuyện, nỗi niềm của chính mình: “Em ấn tượng với ca khúc Còn tuổi nào cho em vì trong đó có câu 'Tay măng trôi trên vùng tóc dài'. Con gái nhà người ta giàu có, sang trọng, sống trong nhung lụa, ngây thơ, bàn tay búp măng là phải rồi. Còn em là trẻ mồ côi, không cha không mẹ, mang cảnh cực khổ từ nhỏ nên tay không thể nào búp măng cho được. Mái tóc dài cũng không bao giờ có vì em đã xuống tóc từ năm 5 tuổi”.

Không thể cảm được những dòng nhạc khác, cũng không thể nhảy múa, tuy nhiên, Huyền Trân chưa bao giờ nghĩ đây là điểm bất lợi của mình. Trái lại, cô nhóc còn tự tin những điều này sẽ giúp em tạo nên sự khác biệt: “Dòng nhạc của em không phải là nhạc trẻ, mà là nhạc của Trịnh Công Sơn. Đó là những ca khúc nói về tâm hồn con người, nên em muốn hát lên để ăn sâu vào trái tim khán giả, mang triết lý của nhạc Trịnh đến tất cả mọi người”.

Nói đến đây, cô bé lại khép chặt cánh tay quanh người rồi thì thầm: “Em không quen mặc đồ này nên thấy sao... kỳ quá!”

img

Gương mặt của em rất sáng và hiền từ.

Mong kiếm được tiền từ ca hát để xây lại nơi ở

Khi sư thầy vừa nhận về, rồi sau này thầy giao cho cô Cúc (trong chùa, các em mồ côi được chia nhóm theo độ tuổi để các cô trực tiếp chăm sóc), Huyền Trân luôn là một cô bé rất ngoan ngoãn. Nhớ lại những ngày đầu chăm sóc em, cô Cúc tâm sự: “Trân dễ nuôi, ngoan hiền và cởi mở lắm, nhưng do sống trong chùa, ít khi có dịp ra ngoài nên tính cách không hoạt bát bằng những bạn ở ngoài”.

Cuộc sống của Huyền Trân cũng nhẹ nhàng và đơn giản như thế. Buổi sáng, em được thầy dạy đạo, ngồi thiền hay các anh chị dạy nhạc, dạy hát... Đến tối lại đi canh hồ cá – vốn là nguồn thu nhập chính của cả chùa. Vất vả, cực khổ mãi cũng thành thói quen. Ở khía cạnh nào đó, những vất vả này lại giúp cô gái nhỏ trở nên mạnh mẽ, tự lập và có những suy nghĩ khác xa với bạn bè đồng trang lứa.

img

Huyền Trân chia sẻ: "Em mong được đi hát để kiếm tiền xây lại nơi ở".

Với Huyền Trân, The Voice Kids không đơn giản là sân chơi hè hay để gặp gỡ những người bạn mới. Cô bé ước mơ có thể đi hát để kiếm tiền xây lại nơi mà em cùng các anh chị em mồ côi khác được nuôi dưỡng, sinh hoạt và trưởng thành trong nhiều năm qua. Em mong những cô cậu bé có hoàn cảnh như mình sẽ có một mái ấm đầy đủ, tốt đẹp hơn để quên đi nỗi mặc cảm của số phận. Và trên hết, Huyền Trân còn mang trong lòng nỗi niềm được mang những tư tưởng của Đạo Phậtđến mọi người, khuyến khích họ hướng thiện nhiều hơn.

Gần một năm qua, sau khi hoàn thành xong chương trình cấp 1, Huyền Trân không đến trường vì sức khỏe chẳng như ý. Những đêm trời trở gió, căn bệnh suyễn lại hành hạ cô bé mồ côi. Điều này cũng là trở ngại khá lớn khi em bước vào Giọng hát Việt nhí. Nhưng với cô gái mạnh mẽ này, “em không đủ sức khỏe, nhưng cũng phải cố gắng để đủ”.

Cách đây không lâu, em cũng vừa chữa trị khỏi hẳn căn bệnh động kinh, vốn từng khiến cô bé không ít lần phải dở dang việc học. Hiện, cô bé vẫn chưa quyết định khi nào sẽ trở lại lớp học.

img

Huyền Trân mang trong lòng nỗi niềm được mang những tư tưởng của Đạo đến mọi người, khuyến khích họ hướng đến cửa Phật.

Có cuộc sống và suy nghĩ khác hẳn với bạn bè, nên những ngày đầu bước vào ngôi nhà chung của The Voice Kids, sinh hoạt cùng các thành viên khác của team, Huyền Trân gặp không ít khó khăn để hoà nhập. Tuy nhiên, sau một thời gian, với sự giúp đỡ của hai huấn luyện viên Lưu Hương Giang và Hồ Hoài Anh, Huyền Trân cũng đã dần làm quen với những bạn bè mới.

Bước qua được vòng Giấu mặt, chặng đường trước mắt của cô bé chắc chắn không ít khó khăn, ước mơ chinh phục ngôi vị quán quân có lẽ cũng không phải là điều dễ dàng với sự cạnh tranh khốc liệt của những “đối thủ” khác, tuy nhiên, có một điều cô bé đang từng bước làm được, đó là làm sống lại những cảm xúc của khán giả dành cho dòng nhạc Trịnh. Được khán giả đón nhận và yêu mến trong lần đầu tiên đứng trên sân khấu lớn đã tiếp thêm cho Huyền Trân nhiều sự tự tin và sức mạnh, thứ vốn trong nhiều năm qua em chưa từng dám nghĩ đến.