“Tranh ăn” với rầy nâu
Cánh đồng 1,3ha của anh Quách Thiên Nhiệm (ấp 6, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) đang bị rầy nâu gây hại. Mặc dù anh phát hiện và phun thuốc tiêu diệt rầy rất sớm nhưng kết quả không khả quan. Anh Nhiệm cho biết: “Sự xuất hiện của rầy nâu hại lúa rất nhanh, lúc mới phát hiện trên diện tích khoảng 1m2, tôi đã phun thuốc nhưng không hiệu quả, rầy ngày càng lan nhanh trên diện rộng. Vì thế, vụ này gia đình tôi chỉ thu được 60 bao lúa khô, tương đương 12 giạ/công, nếu bán thì lỗ mỗi công trên 4 triệu đồng”.
Rầy nâu gây thiệt hại trên 30% sản lượng lúa của bà con nông dân ở Cà Mau. |
Ông Hứa Văn Tý- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lộc cho biết: “Năm nay, rầy nâu xuất hiện nhiều do diễn biến thời tiết phức tạp. Mọi năm, lúa ở giai đoạn này không có hiện tượng rầy gây hại. Đã có nhiều hộ bị thiệt hại khoảng 30%, thậm chí 50% sản lượng”.
Trên địa bàn huyện Trần Văn Thời cũng xuất hiện rầy nâu gây hại ở đồng lúa của nhiều xã, trong đó nhiều nhất là xã Khánh Bình Đông, làm giảm năng suất trên 30%. Hộ anh Trương Minh Đô (ấp Gạch Cui, xã Khánh Bình Đông) có 6 công đất tầm lớn đang bị rầy nâu gây hại nặng, cho biết: “Chúng tôi phải tranh thủ cắt sớm, gần như “tranh ăn” với rầy nâu nếu không để đến lúa vàng bông thì bị rầy gây cháy và thiệt hại nặng hơn”.
Gây hại chủ yếu trên lúa thơm
Theo ông Nguyễn Trường Nhật - cán bộ khuyến nông xã Tân Lộc, đa số các hộ trong xã sử dụng các giống lúa thơm như OM 4900, OM 6162, OM 6161… đều bị rầy nâu gây hại. Còn một số hộ sử dụng các giống lúa như OM 6976, 576 (hàm trâu) và những giống lúa thơm khác thì không bị nhiễm bệnh, nếu có thì mức thiệt hại không đáng kể. Các giống lúa này kháng rầy không cao, do thân vỏ mềm nên rầy nâu dễ phát triển. “Ngoài ra, trong quá trình canh tác người dân không chăm sóc trà lúa kỹ, không thăm đồng thường xuyên để phát hiện và phun thuốc phòng ngừa rầy nâu trước khi lúa làm đòng và trổ chín” - ông Nhật cho biết.
Ông Lê Bình Nguyên- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thới Bình cho biết: “Chúng tôi đã cử cán bộ xuống khoanh vùng và xử lý, hạn chế thiệt hại cho bà con”.
Ông Bình kiến nghị: Để người dân trồng lúa có điều kiện tái sản xuất trong vụ lúa đông xuân, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ một phần lúa giống cho nông dân. Bởi đợt dịch này gây hại khá rộng cho bà con nông dân, có hộ lỗ tới 40 triệu đồng/ha.
Diệu Lữ