Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Đặc biệt, việc công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2012 đã có tác dụng tích cực đến các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức rút kinh nghiệm, tìm nguyên nhân yếu kém, hạn chế của mình.
Công tác cải cách thể chế và hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan hành chính được đẩy mạnh với việc ban hành nhiều nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành; cơ cấu, tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện và đang tiến hành xây dựng các thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan này.
Việc phân cấp quản lý Nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước, bảo đảm tính tự chủ trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương; phát huy tính năng động, sáng tạo trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của bộ máy chính quyền địa phương. Thông qua đó, giảm bớt các công việc có tính chất sự vụ để các bộ, ngành Trung ương tập trung vào xây dựng thể chế, hoạch định chính sách, thực hiện thanh, kiểm tra, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với ngành, lĩnh vực.
Cải cách thủ tục hành chính hiện này còn nhiều yếu kém
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Đó là, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác này. Công tác tuyên truyền còn chậm, kém hiệu quả, đội ngũ công chức thực thi còn thiếu về số lượng, tính chuyên nghiệp chưa cao nên khó khăn trong tham mưu, đề xuất chủ trương, biện pháp đẩy mạnh Cải cách hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, công tác Cải cách hành chính thời gian qua đạt một số kết quả khả quan, góp phần vào thành tựu phát triển KT-XH của đất nước.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhiều cơ quan, đơn vị, lãnh đạo chưa dành thời gian thích đáng cho công tác này nên hiệu quả vẫn chưa cao; người dân vẫn kêu ca, phàn nàn nhiều; công khai, minh bạch trong thủ tục hành chính cần đẩy mạnh hơn nữa; tuyên truyền về Cải cách hành chính chưa hiệu quả…
Về các đề án, chương trình liên quan đến Cải cách hành chính, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành trên cơ sở nhiệm vụ được phân công khẩn trương triển khai các đề án, dự án được giao trong thời gian tới.
Ngoài ra, cần có chương trình kiểm tra Cải cách hành chính tại một số địa phương, bộ, ngành; triển khai quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính với việc phân công trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành đối với công tác này. Bảo đảm công tác Cải cách hành chính phải mạnh mẽ hơn, đi liền với cải cách thể chế, không để bị lạm dụng, cửa quyền, tiêu cực, tham nhũng.