Nghị trường ngày 6.2.2014. Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương có vẻ đã xúc động khi nói đến khoản kinh phí 16.000 tỷ đồng chi cho cảnh sát biển, cho kiểm ngư, cho ngư dân. Ông Đương nói cần phải dành nhiều hơn nữa.
Và để có nguồn kinh phí, theo ông, cần siết chặt kỷ luật thu chi ngân sách. “Nghiêm cấm mua xe công, hạn chế tối đa hội nghị, hội họp, lễ hội, giảm thiểu các đoàn đi nước ngoài...”. Và rất bất ngờ, ông Đương nói một cách chân thành: “Tôi hứa, từ nay đến hết nhiệm kỳ nếu trời cho sống tôi sẽ không đi nước ngoài nữa".
Khi ấy, nghị trường, và sau đó là dư luận nhìn thấy ở đó sự chân thành trong một hành động cá nhân đáng để nêu gương.
Nhưng đằng sau đó, lại là một thực tế lớn về sự lãng phí trong cái gọi là “các đoàn công cán nước ngoài”.
Còn nhớ cách đây chưa lâu, dư luận đã nổi sóng khi trong một phiên họp chính thức của Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói thẳng về con số “ước tính mỗi ngày có hơn 8 đoàn đi công tác nước ngoài bằng ngân sách nhà nước”. “Nhiều nước bạn phản hồi, có vấn đề vừa trả lời đoàn này, một thời gian ngắn sau lại có đoàn khác sang hỏi câu tương tự”.
Còn chính Thủ tướng nhìn nhận thực tế đoàn công tác nhiều đến nỗi “thấy có đoàn Việt Nam đến người ta sợ. Rồi tham quan, rồi giao lưu, tiếp khách…”.
Nhưng thật ra, khó để chờ “lương tâm lên tiếng”, như cách đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương đang làm, bởi chẳng hạn, cũng ngay trong phiên họp ấy, một đại biểu Quốc hội khác là ông Trần Du Lịch cũng đưa ngay ra một dẫn chứng về sự xa hoa, lãng phí: Có người bay sang Mỹ giá bình thường hết 1.500USD, nhưng đi vé hạng C tới tận 6.000USD”.
Và ông nói đau xót khi đó là số tiền thực chất là từ “thuế của dân".
6.000USD. Nếu tính theo thu nhập bình quân đầu người 1.960USD/năm (cuối năm 2013) thì đằng sau giá trị 6.000USD cho một tấm vé đó là việc 3 người dân làm cật lực cả năm chỉ đủ tiền mua một chiếc vé cho một cán bộ đi Mỹ.
Bộ Chính trị vừa ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý các đoàn đi nước ngoài. Không tham gia các đoàn do doanh nghiệp đài thọ, mời đích danh. Không đi quá 2 lần mỗi năm. Không trùng lặp với các đoàn đi trước. Không bố trí 2 lãnh đạo chủ chốt cùng tham gia một đoàn đi công tác nước ngoài. Không đưa thân nhân đi theo trong đoàn. Và thậm chí, nếu cần có phu nhân hoặc phu quân cùng đi thì phải được cấp có thẩm quyền quyết định…
Không phải nói cũng biết dư luận- thật ra là những người đóng thuế, đón nhận chỉ thị này một cách tích cực đến như thế nào, nhất là cũng hôm qua, đã có không ít bức xúc trước một ông L, bà G nào đó bị Bộ Công Thương xử lý kỷ luật vì sau khi đi nước ngoài bằng tiền thuế của dân đã “tự ý nghỉ việc, ở lại nước ngoài”. Cũng lạ cho hình thức xử lý “buộc thôi việc” đối với những người đã tự ý nghỉ việc.
Sẽ hay hơn rất nhiều nếu như Bộ Công Thương đâm đơn kiện các công chức này ra tòa, ít nhất là để đòi tiền vé máy bay, công tác phí để trả cho dân chẳng hạn.