Dũng tâm sự: Trước khi vào Huế được thông tin Viettel sẽ giải thể, bây giờ lại nhận được thông tin không chính thức từ Hà Nội là đội sẽ tiếp tục tồn tại nếu đoạt HCV, còn không thì giải tán! Trong thể thao làm sao có thể nói trước là có vàng hay không? Với thông tin này thì các em, các cháu tuổi đời còn trẻ, tâm lý còn non yếu làm sao thi đấu?
Ngồi xem trận bán kết cùng ông Nguyễn Sỹ Hiển mới từ Hà Nội bay vào, ông tỏ ra khá bức xúc trước thông tin giải thể Viettel. HLV một thời của Thể Công kể: Cách đây không lâu chính Viettel mời chúng tôi, những thành viên của Thể Công về tụ lại tại Hà Nội để cùng bàn chuyện thành lập lại Thể Công. Ai cũng vui, ngay Vinh “tàu” (Nguyễn Văn Vinh) cũng hồ hởi bay từ Sài Gòn ra với không ít tâm huyết. Ấy vậy mà bây giờ… Không phải cứ “sếp” thích thì tồn tại còn một khi “sếp” mới không ưa thì giải tán. Làm thể thao kiểu này thì chỉ có chết thể thao, báo chí cũng cần phải lên tiếng…
Ông Hiển còn cho biết thêm là Đại tướng Phùng Quang Thanh mới đây từng tuyên bố: Bóng đá Thể Công hay Viettel là của Quân đội chứ không phải là của Viettel, nên không thể thích là làm, không ưa thì giải tán!
Trong trận bán kết, khi thua sau những lượt sút luân lưu, các cầu thủ trẻ Viettel đã ôm mặt khóc. Họ khóc không hẳn vì thua trận, mà còn vì hiểu rằng số phận của cả thầy lẫn trò sẽ kết thúc từ trận bán kết này. Những người hiểu và biết chuyện tại Huế càng thương các em hơn, trân trọng các em hơn khi các em ra trận như những người lính thực thụ. Chiếc HCĐ kia với địa phương nào đó là danh giá, còn với Viettel lại bằng 0. Điều đó làm các em khóc.
Sáng 29.7 lại có thông tin là Trung tâm bóng đá Viettel sẽ tiếp tục tồn tại và nhiều khả năng sẽ trở về với tên cũ là Thể Công. Chưa biết độ chính xác của thông tin này, nhưng tôi tin chắc là không chỉ U.17 của Viettel cười vì lại được tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành cầu thủ. Ngay HLV Đặng Phương Nam cũng háo hức cho biết là nếu vậy thì đội sẽ có cách làm khác, không như học viện HAGL hay PVF hoặc Hà Nội T&T… Sẽ thuê giám đốc kỹ thuật người nước ngoài cũng giống như Hà Nội T&T đang làm, nhưng mỗi nơi sẽ có những bước đi không giống nhau, để tất cả cùng gặp nhau ở 1 điểm là vì bóng đá Việt Nam...
Chuyện Viettel tồn tại và trở về với tên gọi cũ là Thể Công không chỉ những Hồng Sơn, Phương Nam, Mạnh Dũng vui, các cầu thủ trẻ mừng, mà nhiều người hâm mộ Thể Công cũng mong như thế để lại được sống cùng, được vui buồn cùng Thể Công như trong quá khứ họ đã từng sống, từng vui.