Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa (Đại học Quốc gia TP. HCM):Cần lưu ý đến các giải pháp kỹ thuật
Nói đến kỳ thi chung quốc gia, dù chọn phương án nào thì cũng phải lưu ý đặc biệt đến các giải pháp kỹ thuật. Thực tế, nhìn vào các quy định mang tính chất kỹ thuật của kỳ thi “3 chung” mà thấy sự ảnh hưởng không nhỏ của các giải pháp này. Chẳng hạn, các mục chi tiết trong hồ sơ đăng ký dự thi như các ký tự mã hóa tên ngành, tên trường, tỉnh, huyện, trường THPT… giúp kiểm soát một kỳ thi quốc gia với quy mô hơn 1 triệu thí sinh. Với 3 phương án thi vừa được đưa ra, tôi nghĩ cần làm rõ các giải pháp kỹ thuật trước. Ví dụ các em nộp hồ sơ thế nào, không muốn thi mà chỉ cần công nhận tốt nghiệp có được không?
Đặc biệt, những năm gần đây, điểm sàn khá ổn định thể hiện phần nào sự ổn định của chất lượng đề thi. Tuy nhiên, các giải pháp kỹ thuật xung quanh việc sử dụng điểm sàn như số lượng, thời gian có hiệu lực của giấy chứng nhận kết quả thi, cho phép TS “nộp vào, rút ra”… vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Vậy thì kỳ thi chung quốc gia cũng cần xem xét vấn đề chuẩn và điểm sàn. Chưa rõ là với 6-8 môn thi, việc tính điểm sàn có được đặt ra không?
Theo đánh giá của tôi, nhìn chung đề thi của từng môn ở từng khối thi đã đạt được mục tiêu lớn nhất của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ là tính chính xác, không sai sót và độ phân loại TS cao. Rất cần có đánh giá, tổng kết về công tác ra đề thi để chuẩn bị cho việc soạn đề thi trong kỳ thi quốc gia sắp tới.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa (Đại học Quốc gia TP. HCM):Cần lưu ý đến các giải pháp kỹ thuật
Năm lớp 11 chúng em mới được các thầy cô phổ biến về việc thay đổi phương án thi tốt nghiệp 4 môn, trong đó được tự chọn 2 môn và xét học bạ 3 năm. Chưa được “thực hành” phương án này thì năm nay lại đổi thành một kỳ thi để xét tốt nghiệp và ĐH. Em thực sự rất hoang mang, không biết phải học như thế nào nữa. Nếu được lựa chọn em sẽ chọn thi theo phương án 1 mà Bộ đưa ra cho bớt… lạ lẫm. Tuy nhiên, em cũng rất băn khoăn với việc xét tuyển vào các trường ĐH - CĐ, bởi từ năm lớp 10, đa phần các bạn đã học ôn theo khối thi, không biết các trường sẽ xét tuyển theo điểm của khối thi hay điểm chung của kết quả kỳ thi để mà biết đường học. Em cũng được biết không chỉ học sinh sắp bước vào lớp 12 như em mà còn một số lượng lớn học sinh “lớp 13” trượt ĐH - CĐ năm nay cũng lo lắng về việc thay đổi này.
TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Nông lâm TP.HCM: Cần có cơ quan điều phối
Về phương án thi, tôi ủng hộ phương án thi bài thi tích hợp hơn là thi theo môn thi vì nó sẽ nâng được cơ hội xét tuyển cho thí sinh. Về đề thi thì nên thi theo kiểu trắc nghiệm để giảm được áp lực cho khâu chấm thi, hơn nữa là tạo ra sự đồng bộ.
Thêm vào đó, các tiêu chí thể hiện sự khác biệt giữa các kết quả để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH cần phải rõ ràng. Tôi lấy ví dụ môn toán thi tốt nghiệp THPT có 4 câu giống y như đề thi ĐH. Ở bậc THPT thì học sinh làm được nhưng thi ĐH lại bị điểm 0, tôi thấy rất vô lý. Một điều quan trọng nữa là lấy kết quả tốt nghiệp đó để xét vào ĐH thì cần phải tổ chức một cách khoa học, khách quan và công khai, điều này cần có 1 cơ quan độc lập và có khả năng điều phối các thông tin tuyển sinh toàn quốc. Sau khi có kết quả thi, cơ quan này sẽ cung cấp thông tin để các trường làm cơ sở xét tuyển.