Có nhiều nhà báo nói rằng, ca sĩ Khánh Ly có vẻ khó khăn khi báo chí muốn phỏng vấn và tiếp cận. Vậy bà nói sao về điều này?
- Thật sự mà nói tôi rất sợ nhà báo, tôi không dám trả lời bởi tôi không biết phải nói gì với các anh chị. Nhưng, cũng phải chia sẻ thật lòng, tôi rất biết ơn các anh chị nhà báo khi đã dành cho tôi nhiều tình cảm và gọi tôi trên báo chí bằng danh từ “bà”. Trong cuộc đời đi hát của tôi là 52 năm, chưa có ở nơi nào mà gần 90% báo chí đều chấp nhận, hài lòng sự trở về đêm trình diễn của tôi. Chính điều này, tôi đã tự bảo với mình, phải cố gắng nhiều hơn nữa. Bây giờ có thêm dịp để trở về Hà Nội, mặc dù tôi chưa biết nhiều về Hà Nội nhưng tôi muốn nói rằng, tôi sinh ở Hà Nội và tôi rất yêu Hà Nội.
Được biết đêm nhạc sẽ có màn song ca của 2 cái tên tạo tiếng vang một thời đó là Khánh Ly và Lệ Thu. Bà nghĩ sao khi có sự kết hợp này?
- Đây là sự kết hợp đẹp. Các bạn thấy đấy, trong đêm nhạc có 3 miền, trong đó miền Bắc có tôi và Lệ Thu, miền Trung có ca sĩ Quang Dũng và miền Nam có nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.
Tôi nghĩ chúng tôi là lứa nghệ sĩ lớn tuổi, gặp nhau được lúc nào hay lúc đó. Tôi cứ tiếc mãi là tôi không biết ông Tô Vũ (nhạc sĩ, giáo sư, nhà nghiên cứu âm nhạc đương đại của Việt Nam, mất ngày 15.5.2014- PV) có mặt tại Hà Nội. Nếu biết, chắc chắn trước đó tôi sẽ đến thăm ông. Bởi vì tôi đã hát nhạc của Tô Vũ, tôi đã hát nhạc của Đoàn Chuẩn, Văn Cao. Tôi cũng rất yêu thơ Nguyễn Bính, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Với tôi, được gặp bạn bè cũ sau rất nhiều năm, được đứng chung sân khấu là điều may mắn vô cùng.
Có thể nói giọng ca Khánh Ly là tượng đài trong âm nhạc của nhạc Trịnh Công Sơn đối với các các sĩ trẻ bây giờ. Và bà có lời khuyên nào để cho các ca sĩ trẻ hát được hay giống như Khánh Ly đối với nhạc Trịnh ?
- Tôi là người hát không hay nhưng lại được nổi tiếng. Tôi nói điều này rất thật thà, chứ không phải là khiêm nhường. Bởi tôi từng biết có nhiều người hát hay, hay lắm, kỹ thuật cũng rất tốt, hơn tôi rất nhiều. Nhưng tôi luôn luôn nghĩ con người ta có cái số, khi chính cụ Nguyễn Du cũng đã từng than: “Bắt phong trần phải phong trần…”, số trời đã định mình là ca sĩ thì mình được là ca sĩ. Và tôi nghĩ chính các nhà báo, nên cổ vũ tuyên truyền, ủng hộ các giọng ca trẻ. Bởi nếu các ca sĩ trẻ mà không hát nhạc Việt, không hát nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên…thì sau này khán giả sẽ nghe nhạc gì?
Có thể khán giả Việt vẫn nghe nhạc Mỹ, bởi nhịp điệu vui tươi, nhưng không diễn tả hết cảm xúc, cũng như chia sẻ những suy nghĩ của mình. Tôi nghĩ mỗi người có một cảm nhận, một tài năng, một màu sắc, một cách hát khác nhau, không nên giống nhau, không ép hoa hồng thành hoa hướng dương, hoa cúc thành hoa thược dược.
Được biết bà cũng là người lo giữ sức khỏe và vóc dáng của mình. Năm nay bước sang tuổi 70, bà có ý định bỏ thuốc lá không, lý do nào khiến bà trở thành người nghiện thuốc lá?
- Ngày xưa tôi cứ phải châm thuốc cho người khác, bà chị tôi thường bắt tôi châm, riết rồi thành quen. Tôi châm cho bà một điếu rồi cũng tự châm cho tôi một điếu luôn. Đó là thói quen, nếu muốn bỏ không phải khó nhưng tôi cũng tự bào chữa cho mình bây giờ cũng quá trễ rồi, chỉ còn 1 đến 2 năm nữa có thể mình “chết yểu” chẳng hạn thì tôi cũng đâu có hối tiếc gì. Nên tôi không có ý định bỏ thuốc. Và với tôi, tôi cho là mình đã đủ thọ, tuổi của tôi bây giờ ở Việt Nam có người đã có chắt gọi bằng cố rồi. Bởi vậy, với tôi giờ Chúa có gọi đi, tôi không thấy tiếc, đời sống mình đã hưởng nhiều quá rồi.
Người tạo nên tên tuổi của Khánh Ly không ai khác chính là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, và gần như cuộc đời Khánh Ly một nửa là Trịnh Công Sơn. Vậy trong những giấc mơ của mình đã bao giờ bà mơ và có cuộc đối thoại nào đó trong mơ với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?
- Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một nửa của tôi, nhưng tôi không biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có coi tôi là một nửa của anh ấy không. Tôi có được ngày hôm nay là nhờ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhưng ngược lại, anh Sơn không có tôi thì vẫn là anh Sơn, vẫn được rất nhiều người yêu mến. Còn chuyện tôi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có gì không thì tôi không dám trả lời.
Tôi là người chỉ biết yêu thơ, mê nhạc từ khi còn rất nhỏ. Tôi mê nhạc đến mức bị mẹ la mắng, và đánh rất dữ. Nhưng rốt cuộc, suốt những năm tháng đi học của tôi, điều tôi học được tại nhà trường là thơ và nhạc, còn ngoài những điều đó tôi không học và cũng không đỗ được môn nào. Chính vì vậy cho đến bây giờ, đến bằng lái xe tôi cũng không có.
Xin cảm ơn bà!