Mái nhà chung của những cảnh đời…
Câu chuyện bắt đầu từ những năm 1980... Sau chặng đường đánh giặc suốt hơn 30 năm đằng đẵng, cuộc sống của vợ chồng A Yun Hới còn nghèo hơn cả những người nghèo nhất làng. Bòn vét hết tiền phụ cấp, còn phải bán thêm 2 chiếc võng, 4 bộ quần áo mới mua được 2 sào đất để cắm căn lều…
Cuộc sống dẫu khó khăn nhưng hễ nghe ở đâu anh em trong đơn vị ốm đau hoạn nạn là ông tìm tới…
Như mọi lần, hôm đó sang Ia Hlốp thăm người bạn ốm, ông chợt nghe bạn kể rằng làng vừa làm đám ma cho một người đàn bà. Chị ta chết để lại 3 đứa con nhỏ. Đứa sau cùng vừa biết đi lẫm chẫm, vậy mà người cha đang tâm bỏ mặc đi lấy vợ khác… Câu chuyện nhói lên trong ông niềm thương cảm…
Lấy nhau trong chiến tranh ác liệt, vợ ông 3 lần đẻ mà rốt lại chỉ được 1 lần nuôi. Hòa bình rồi con người quý lắm, sao lại có kẻ…
Nhờ người dẫn tới nhà, nước mắt ông chực trào ra khi thấy đứa bé đang gào không ra tiếng trong xó nhà. Hai đứa lớn đang vét cơm nguội trong chiếc nồi nhôm méo mó… Chẳng đợi ông phải ngỏ lời lần hai, họ hàng đứa bé đã đồng ý. Cởi chiếc áo ngoài đang mặc, ông cột bé vào lưng cõng về. Cứ nghĩ vợ ngại nuôi con nhỏ, hóa ra bà Y My lại rất mừng. Chẳng những thế mấy ngày sau bà lại bàn với ông: “Đứa em đã có người nuôi nhưng hai chị nó vẫn bơ vơ. Hay là ông sang mang tất về đây cho chúng có chị có em…”.
Như là duyên nghiệp của vợ chồng ông kể từ ngày ấy… Cứ nghe ở đâu có trẻ bị bỏ rơi là ông tìm đến xin, chẳng phân biệt con Kinh, dân tộc; lành lặn hay bệnh tật… Nói cho đúng không phải đứa nào ông cũng nuôi cho tới khi tự lập. Có đứa ông bà chỉ nuôi một đôi năm, thậm chỉ dăm bảy tháng thì cha mẹ chúng tới xin về. Nhưng cũng có đứa nhận nuôi rồi còn phải nuôi luôn cả nhà…
Còn hơn thế là những lúc giáp hạt, họ hàng con nuôi kéo về ăn nhờ nhà ông bà có lúc lên đến cả mấy chục người… Sinh trên đời mỗi người mỗi tính, con đẻ cũng có đứa này kia nữa là con nuôi. Có đứa ra ở riêng được rồi thì chẳng bao giờ gửi một lời thăm. Có đứa nuôi lớn, dựng vợ gả chồng cho rồi vẫn eo sèo chuyện của cải. Người trong làng còn bực thay nhưng ông bà chỉ cười: “Cha mẹ có bao giờ ở hết lòng con…”.
“Tôi học Bác Hồ”
Nuôi nấng ngần ấy con người, tất không phải chỉ bằng cái tâm. Bà Y My vốn là trợ lý dân quân tỉnh đội, quân hàm trung úy nhưng đã nghỉ chế độ một lần. A Yun Hới lương hưu trung tá thì cũng chỉ đủ cho cuộc sống vợ chồng. Để nuôi bấy nhiêu người, ông bà phải cật lực nuôi bò, trồng bời lời, cà phê… Cái thiên lương của đôi vợ chồng cựu chiến binh này hẳn là chuyện không dưng? Tôi tò mò hỏi và thật bất ngờ khi nghe A Yun Hới thốt một câu chắc nịch: “Tôi học Bác Hồ!”.
Và ông kể: “Năm 1954 tôi tập kết ra Bắc, đóng quân ở Bạch Mai. Một buổi sáng chúng tôi được lệnh tập hợp để đón Bác đến thăm. Nói chuyện thế giới và trong nước xong, Bác hỏi:
- Trong tiểu đoàn ta, có chú nào là người dân tộc thiểu số không?
Tiểu đoàn trưởng thưa “có nhiều ạ” và bảo tôi đứng lên. Bác đi tới và nói:
- Các chú là dân tộc thiểu số cần được ưu tiên. Có nguyện vọng gì, chú cứ thay mặt anh em đề đạt với Bác.
Thú thật tôi bấy giờ tiếng phổ thông còn bập bõm, lại quen lối nói ở làng. Nghe Bác hỏi, nghĩ ngay đến thói nghiện thuốc của mình và anh em dân tộc, tôi buông một câu cộc lốc:
- Cho thuốc hút, cơm nước không cần bằng!
Tiểu đoàn trưởng giẫm vào gót chân tôi ra ý bảo phải nói năng cho lễ phép nhưng tôi không hiểu nên chẳng để ý. Bác mỉm cười hỏi tiếp:
- Được rồi, các chú cần gì nữa?
- Cho thay súng. Súng nặng quá!
Chẳng là ngày đó chúng tôi phần lớn được trang bị thứ súng trường nặng chịch… Bác cười gật đầu “Để Bác nghiên cứu”.
Và điều vô cùng bất ngờ đã xảy ra: Ba ngày sau chúng tôi đều được thay súng trường bằng cacbin. Và tháng sau, số anh em dân tộc được phụ cấp thêm mỗi tháng 1 đồng để mua thuốc hút!
Sau lần đó, tôi còn vinh dự được gặp Bác 2 lần nữa. Lần nào Bác cũng hỏi nguyện vọng anh em dân tộc thiểu số chúng tôi. “Con người ta sống là phải thương yêu nhau, phải giúp đỡ những người thiệt thòi hơn mình”. Bác đã cho tôi bài học giản dị mà vô cùng cao cả ấy…”.
A Yun Hới kết thúc câu chuyện. Đôi mắt của người cựu binh già như chợt bừng sáng với những dòng hồi ức…