Sáng 2.8, chúng tôi làm một chuyến “thị sát” vùng hạ du đập thủy điện Ia Krel 2 từ giáp giới sông Sê San đến phía chân đập. Không thể nào nhận ra những nương rẫy mì, cao su xanh ngút mắt của hơn 2 tháng trước đây (trung tuần tháng 5) mà chúng tôi đã được chứng kiến khi đến tìm hiểu việc đập Ia Krel 2 tích nước “lậu” khi chưa có sự cho phép của chính quyền.
Giờ đây, hạ du khoác một sắc tang thương, ảm đạm. Sự hung hãn của lũ dữ khi càn quét về phía hạ du gây nên cảnh tượng kinh hoàng, tang tóc. Người dân các làng dọc bờ suối bỏ nhà cửa, nương rẫy chạy lấy người như “chạy giặc”. Dọc theo suối Đôi, khu vực làng Ó, vườn, rẫy của người dân hai bên bờ suối chỉ còn lại đống đổ nát. Cây cao su, cây mì ngã rạp, tróc gốc, nhiều nơi vẫn còn đang trong tình trạng ngập úng. Con đường sang Đội 20 (Công ty 72-Binh đoàn 15) vẫn đang trong tình trạng chia cắt vì ngập nước.
Tại địa điểm làng Ó, cũng nơi này vào tháng 6.2013, chúng tôi đã đến ghi nhận tình trạng thiệt hại do vỡ đập Ia Krel2 lần đầu. Ngôi nhà của Kpuih Bin ngày trước giờ đã bị nước lũ cuốn mất. Nền nhà chỉ còn lại một số hố cột, là minh chứng duy nhất rằng nơi đây từng tồn tại một ngôi nhà. Tài sản bị cuốn trôi hết, khi nước rút, Kpuih Bin chỉ nhặt nhạnh được cái nồi nhôm, vài đồ còn sót lại. Khi được hỏi nhà đâu, con của Kpuih Bin đáp cụt lủn: “Lũ cuốn hết rồi” .
Xóm nhà Bin có chừng 5 nóc nhà, hai cái được xây dựng kiên cố thì còn, hai căn nhà còn lại cũng cùng chung số phận bị lũ cuốn trôi như nhà của Kpuih Bin. Không chỉ nhà cửa, hoa màu bị cuốn trôi, chiếc xe máy cày mới tậu của Rơ Châm Kui thì bị lũ cuốn phăng, ném một đống. Thiệt hại của 5 hộ gia đình ở đây vô cùng nặng nề khi nhà cửa, khoảng 5 ha mì cùng hàng loạt cây điều, chuối cùng nhiều tài sản bị cuốn trôi. Tương lai ảm đạm đang chờ họ vì những ngày tới không biết lấy gì để sống.
Gương mặt vẫn chưa hết kinh hoàng, chị Rơ Lan Toét kể việc gia đình mình bỏ căn chòi rẫy chạy lên đồi tránh lũ dữ. “Lũ về nhanh lắm, chẳng kịp mang thứ gì, phải chạy lên đồi cao mới tránh kịp. Lũ lần này cao hơn lần trước nhiều, cây cầu treo kia cũng bị ngập mà”, chị Toét nói. Ngoài căn chòi bị ngập, tài sản bị trôi, chị Toét còn bị thiệt hại 1ha mì do lũ cuốn trôi và 1ha cây cà phê mới trồng năm ngoái.
Gần đó, một hộ dân giấu tên bị lũ cuốn trôi vườn tiêu 800 trụ cùng căn nhà và nhiều tài sản như TV, tủ lạnh, xe máy khi để trong nhà khóa cửa chạy lũ.
Tuy nhiên, thiệt hại nặng nề nhất thuộc về Công ty 72. Đại tá Phạm Văn Giang, Giám đốc Công ty 72 (Binh đoàn 15) cho biết: Theo báo cáo sơ bộ từ Đội 20, thì 65 ha cao su của công ty đã bị thiệt hại do vỡ đập thủy điện. Trong đó, 30 ha bị hư hại hoàn toàn, không có khả năng khôi phục.
Dân sống bằng gì?
Trước tình hình giao thông, điện ở khu vực này bị tê liệt hoàn toàn do nhiều trụ điện cao thế bị lũ cuốn gãy, không có lương thực để ăn. Công ty 72 đã hỗ trợ cho 10 hộ dân ở khu vực gần trụ sở Đội 20 mỗi hộ 35kg gạo, 1 thùng mì tôm để cứu đói; đồng thời cấp 2 máy phát điện, dầu để ứng phó với tình hình mất điện hiện tại.
Chiều 2.8, qua điện thoại, ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Phó Giám đốc Công ty Bảo Long –Gia Lai (Chủ đầu tư Đập thủy điện Ia Krel 2) cho biết đã chuẩn bị quà để đến thăm các hộ gia đình bị thiệt hại trong ngày 2.8, nhưng do phía xã Ia Dom vẫn chưa thống kê số hộ thiệt hại xong, chờ đến ngày 3.8 sẽ trực tiếp đến thăm, gặp, tặng quà hỗ trợ ban đầu các hộ dân thiệt hại. Nhưng khi trao đổi với ông Ngô Hữu Thiện, Chủ tịch UBND xã Ia Dom (Đức Cơ) cho biết: “Phía công ty (Bảo Long –Gia Lai) có chuẩn bị 30 suất quà để hỗ trợ ban đầu cho các hộ dân. Do số hộ dân thiệt hại nhiều nên tôi không đồng ý, họ đã gửi lại xã rồi về” - ông Thiện nói.