Ông Hoàng Văn Nghiên than phiền về tình trạng “trên bảo dưới không nghe” ở Hà Nội. Có vẻ như từ đó câu này hay được dùng vừa để thanh minh thanh nga cho việc bất lực trong điều hành xã hội vừa lấy cái cười cợt xuê xoa khuyết điểm sai lầm, chủ yếu là sai lầm của “trên”.
Ví như ông bộ trưởng bảo “dưới không nghe” thì là tại dưới, dưới nữa chứ không phải tại ông vì ông đã bảo rồi. Đến lượt ông chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện, xã, thôn cũng nói thế, đều có ý nghĩa bao quát - tôi giỏi giang, tôi lãnh đạo tài, tôi đã bảo rồi nhưng tại vì “dưới” chúng nó không nghe mà thôi!
Bộ trưởng đã ra chỉ thị, đã hô khẩu hiệu, tóm lại là đã bảo bộ máy mà chủ công là kiểm lâm “kiên quyết bảo vệ rừng đầu nguồn”. Nhưng kiểm lâm cấu kết với lâm tặc, mê duyên tá lả quên nhiệm vụ là vì không chịu nghe bộ trưởng bảo đó thôi!
Đã bảo không được thu tiền mãi lộ, bảo không được lấy phong bì của bệnh nhân, bảo tiêm thì tiêm vào mạch máu chứ đừng chọc vào thịt cho đau nếu người bệnh không biết dúi tiền vào tay, bảo không được dạy thêm, không được học thêm, có vị đại biểu Quốc hội còn chu đáo bảo cán bộ các cấp nên hạn chế lòng tham, không nên tham nhũng… “Đã bảo, đang bảo và sẽ bảo” nhiều thứ nhiều điều, tóm lại là không có gì trên quên bảo dưới nhưng việc vẫn hư là đều do dưới không nghe mà thôi!
Một ông chồng bệnh thì chỉ làm một bà vợ buồn, có thể không ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới. Nhưng một bộ phận xã hội, thậm chí “một số không nhỏ” trong xã hội mà “trên bảo dưới không nghe” thì còn gì kỷ cương, phép nước? Trên bảo dưới không nghe không thể coi là một câu đùa. Cho nên, theo phép logic, cần xem lại: Đúng là đã bảo, nhưng… 1/ Bảo có đúng không hay sai bét nhè? 2/ Bảo làm nhưng liệu có làm được không? (kiểu xe chính chủ). 3/ Bảo, nhưng có hợp lòng dân không?
Nếu bảo đúng, bảo làm cái có thể làm được, bảo làm cái hợp với lòng dân thì chắc không mấy nơi bị bệnh tê liệt và tương lai chắc là tràn trề tươi sáng!
Nguyễn Quang Thân