Dân Việt

Thái Nguyên: Nhà vệ sinh... gần chục tỷ đồng trong khuôn viên bảo tàng

Minh Phong 04/08/2014 06:41 GMT+7
Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại TP.Thái Nguyên có một khu nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) được đầu tư gần chục tỷ đồng, nhưng không phải lúc nào cũng mở cửa phục vụ khách.

Trong khi thủ đô Hà Nội còn phải băn khoăn với dự án xây dựng 14 NVSCC với tổng kinh phí đầu tư 15 tỷ đồng, thì ở Thái Nguyên – một tỉnh vùng cao Việt Bắc, từ lâu đã xuất hiện một NVSCC trị giá cả chục tỷ đồng.

Phản ánh của người dân cho biết, dù Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã có nhiều NVSCC trong khuôn viên nhưng vẫn tiếp tục đầu tư xây dựng một NVSCC trị giá cả chục tỷ đồng. Đáng nói, khu NVSCC này không được thường xuyên mở cửa để phục vụ du khách, người dân.

Gần 11 giờ 30 ngày 31.7 có mặt tại khuôn viên bảo tàng, chúng tôi nhận thấy khu NVSCC đóng cửa, không phục vụ khách. Đây là khu nhà vệ sinh được xây dựng nửa chìm nửa nổi, phần sử dụng được xây ngầm dưới đất.

Được biết, công trình là một hạng mục thuộc dự án khu trưng bày ngoài trời và được đưa vào sử dụng từ năm 2012 với tổng vốn đầu tư 9,4 tỷ đồng. Công trình được xây dựng trên diện tích 500m2. Phần công trình ngầm dưới đất 4m và trên mặt đất là 1,2m.

Bà Nguyễn Thị Ngân – Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam xác nhận giá trị đầu tư xây dựng công trình NVSCC là 9,4 tỷ đồng và cho rằng đó là “cái giá không đắt vì đầu tư để sử dụng trong 50 – 70 năm”.

Giải thích về việc nhà vệ sinh phải đóng cửa, bà Ngân cho biết: “Khu NVSCC có người trông coi, dọn dẹp. Buổi trưa từ 11 giờ 30 đến 13 giờ 30 nhân viên nghỉ trưa nên tạm đóng cửa, không phục vụ khách chứ không có chuyện NVSCC đóng cửa thường xuyên”.

Dù bảo tàng đã có NVSCC ngoài trời và các NVS trong tòa nhà trưng bày nhưng theo bà Ngân, việc xây dựng khu NVSCC hiện đại là cần thiết để phục vụ các đoàn khách đông người cũng như khách nước ngoài. Hiện trung bình mỗi năm bảo tàng đang đón khoảng 3.000 lượt khách thăm quan là người nước ngoài.