NTNN và Dân Việt đã có loạt bài phản ánh về việc Công ty Cà phê Phước An đã ngang nhiên bán 10 hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, khiến hàng nghìn hộ dân trồng cà phê thiếu nước tưới. Về vấn đề này, lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) khẳng định, tới đây Bộ sẽ thu hồi toàn bộ số hồ thủy lợi bị bán.
Sẽ thu hồi lại hồ đã bán
Ngày 1.12.2003, Thủ tướng ra Quyết định 255/2003/QĐ-TTg về việc bàn giao đường giao thông, hệ thống điện, công trình thủy lợi, trường học, trạm xá của các nông, lâm trường về địa phương quản lý. Theo quyết định này, đập nước, hồ nước, hệ thống kênh mương phục vụ chung cho hoạt động của nông, lâm trường phải được bàn giao cho UBND cấp tỉnh hoặc các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh được ủy quyền quản lý, khai thác.
Nhiều hồ đập thủy lợi ở Tây Nguyên đang được các doanh nghiệp quản lý sai mục đích. |
Liên quan đến sự việc Công ty Cà phê Phước An (huyện Krông Păk, Đăk Lăk) bán 10 hồ thủy lợi, ông Đàm Hòa Bình- Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi, thuộc Tổng cục Thủy lợi, Bộ NNPTNT cho biết, Công ty Cà phê Phước An vốn là một nông trường quốc doanh nên buộc phải thực hiện việc bàn giao các hồ này.
Trước đó, như đã phản ánh, doanh nghiệp này bán 10 hồ thủy lợi do chính mình quản lý cho các tổ chức, cá nhân khác cho thấy, doanh nghiệp này không chấp hành quyết định của Thủ tướng. Thậm chí, sau khi đã bán, vào năm 2010, doanh nghiệp này vẫn để cho chính quyền vào kiểm tra để thực hiện thủ tục bàn giao hồ một cách hình thức. Cuối cùng, người thiệt thòi nhất trong sự việc này không ai khác chính là bà con nông dân. Cà phê chết khô, hàng nghìn hộ nông dân phải khốn khó tìm nguồn nước, năng suất giảm, cuộc sống hết sức khó khăn.
Ông Bình khẳng định: “Việc làm của Công ty Phước An là hoàn toàn sai, hiện tại Tổng cục Thủy lợi đang soạn thảo văn bản cho lãnh đạo Bộ NNPTNT hướng dẫn UBND tỉnh Đăk Lăk thu hồi các hồ này và thực hiện lại các thủ tục bàn giao cho chính quyền địa phương để cho các hồ này được sử dụng chung cho toàn dân”.
Tổng Công ty Cà phê cũng “ôm” hồ
Liên quan đến việc bàn giao công trình thủy lợi cho địa phương, vào giữa tháng 11 vừa qua, Bộ NNPTNT cũng có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng thừa nhận, chủ trương này đang “chưa thực hiện đầy đủ”. Nguyên nhân là do việc vận hành các hồ đập vẫn hiệu quả, đảm bảo quyền lợi cho cả doanh nghiệp và người dân; bản thân doanh nghiệp muốn giữa lại hồ do họ đầu tư để khai thác, sử dụng; chính quyền địa phương không đủ năng lực bảo dưỡng, quản lý.
Theo báo cáo này, ngay cả Tổng Công ty Cà phê Việt Nam cũng chỉ mới bàn giao được 12 hồ, đến năm 2013 sẽ bàn giao thêm 47 công trình nữa. Đơn vị được coi là “vua hồ đập” ở Tây Nguyên đề nghị giữ lại đến 126 trên tổng số 185 hồ đập do mình quản lý. Hiện nay, Bộ NNPTNT và UBND các tỉnh khu vực Tây Nguyên, nơi Tổng Công ty này đứng chân thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ chấp nhận đề xuất này.
Đây là một giải pháp gỡ khó cho Tổng Công ty Cà phê Việt Nam nhưng sẽ dẫn đến không ít hệ lụy. Hiện nay, chủ trương sắp xếp các nông lâm trường, trong đó có việc giải thể và giao đất nông lâm trường cho nông dân đang bị chậm tiến độ nghiêm trọng và đang được cả hệ thống chính trị đốc thúc đẩy mạnh. Nếu tiếp tục để doanh nghiệp (thực chất là các nông lâm trường chuyển đổi) giữ lại nguồn nước sẽ kéo chậm quá trình đổi mới các nông, lâm trường.
Điều quan trọng hơn, khi doanh nghiệp giữ hồ, liệu quyền lợi của nông dân có nhu cầu sử dụng nước tưới liệu có đảm bảo, nông dân có phải trả phí cao cho doanh nghiệp để dùng nước? Về vấn đề này, trao đổi với NTNN, ông Vũ Văn Thặng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết: “Nếu Tổng Công ty Cà phê được giữ lại hồ, Bộ NNPTNT sẽ xây dựng bản quy chế để đảm bảo cho nông dân được dùng chung nước; còn thủy lợi phí nông dân phải trả như chính sách chung của Nhà nước; khi đó, doanh nghiệp quản lý hồ chỉ đóng vai trò như một công ty thủy nông”.
Sỹ Lực