Ngày 3.12, Trường Cán bộ Hội (Hội NDVN) tròn 15 tuổi. Thạc sĩ Vũ Ngọc Bình - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau 15 năm đi vào hoạt động, trường đang đổi mới, hoàn thiện về mọi mặt trong đào tạo đội ngũ cán bộ.
Lễ trao chứng chỉ tốt nghiệp cho lớp bồi dưỡng cán bộ hội cơ sở khu vực Đông Bắc Bộ. |
Liên tục hoàn thiện mình
Theo ông Vũ Ngọc Bình, việc đổi mới đó là, Trường vừa trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng; vừa là trung tâm, đầu mối phối hợp với trường chính trị các tỉnh, thành phố, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hội ở cơ sở.
Năm 2007, đánh dấu bước trưởng thành của Trường Cán bộ Hội. Được Thường trực T.Ư Hội đồng ý, Trường đã nâng cấp chương trình bồi dưỡng ngắn hạn từ 7-10 ngày lên trình độ sơ cấp. Chương trình đào tạo theo hướng chuyên sâu về nghiệp vụ công tác hội, kỹ năng thực hành cho học viên.
Ngay sau khi có Nghị quyết số 26 (Hội nghị T.Ư 7, khóa X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Trường đã tham mưu giúp Ban Thường vụ T.Ư Hội xây dựng Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội NDVN giai đoạn 2012-2015” và tháng 7.2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1045 về “Phê duyệt đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội NDVN giai đoạn 2010-2015”.
Ông Vũ Ngọc Bình cho biết, ngay sau khi Chính phủ phê duyệt Đề án, nhà trường đã tham mưu giúp Ban Thường vụ T.Ư Hội xây dựng kế hoạch triển khai đề án trong toàn hệ thống hội, xây dựng đề án mở ngành “Đào tạo trung cấp chuyên ngành Công tác xã hội, chuyên ngành Công tác Hội ND”.
Theo đó, trường đã phối hợp với các Ban T.Ư Hội, các nhà trường, học viện, cơ quan nghiên cứu, các nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín, kinh nghiệm... xây dựng khung chương trình, biên soạn giáo trình đào tạo. Chương trình gồm 25 môn học, với 3 phần: Các môn học chung; cơ sở và chuyên môn, trong đó có 3 môn thực tập.
Qua thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình đã đáp ứng được nhu cầu đào tạo của cán bộ hệ thống Hội trên toàn quốc, đảm bảo tính liên thông lên các cấp học cao hơn, đảm bảo trình độ cán bộ hội các cấp đạt chuẩn theo tiêu chuẩn chức danh theo Luật Công chức. Đồng thời Trường còn phối hợp với một số học viện, trường đại học mở một số khóa đào tạo đại học, trung học chuyên nghiệp nhằm bổ sung nguồn nhân lực cho hệ thống Hội các cấp”.
Xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên sâu
Ông Vũ Ngọc Bình cho biết, trong điều kiện đội ngũ cán bộ giảng viên mỏng (hiện trường có 21 cán bộ, viên chức, 32 nhân viên hợp đồng); biên soạn bộ giáo trình giảng dạy và học tập trình trung cấp chuyên ngành Công tác xã hội, chuyên ngành Công tác Hội ND là công việc mới mẻ, đây là khó khăn của nhà trường. Song, nhà trường đã thu hút được chất xám từ các nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm... để xây dựng giáo trình các môn học. Theo nhận xét của nhiều học viên, giáo trình phù hợp với thực tế công tác hội trong tình hình mới, phù hợp với trình độ học viên.
Ông Bình cho biết, năm 2011, Trường đã mở 5 lớp hệ trung cấp khóa I hệ 2 năm tại 4 tỉnh Hà Giang, Đăk Lăk, Sóc Trăng, Khánh Hòa. Nhà trường đang chuẩn bị khai giảng 7 lớp khóa II (năm 2012-2013), tại Bắc Giang, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Trà Vinh, Tiền Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long.
Cùng với xây dựng giáo trình, cơ sở vật chất dạy và học của trường từng bước được hiện đại hóa. Phòng học đều có máy chiếu; thư viện nhà trường có gần 20.000 đầu sách; trường có 50 máy tính nối mạng đảm bảo việc tra cứu của giảng viên, học viên...
Để đáp ứng nhiệm vụ, bên cạnh đội ngũ giảng viên của trường, trong đó 30% có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, trường còn mời 50 giảng viên là phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ sở đào tạo khác về giảng dạy. “Đội ngũ giảng viên của trường từng bước trưởng thành, có kinh nghiệm giảng dạy cho đối tượng đào tạo bậc cao hơn”- ông Bình khẳng định.
Anh Trang