Được khởi nguồn từ lời trích: “Đường biển ấy là nơi quan yếu, phải dốc sức mà thừa hành để cho công việc được mười phần trọn vẹn. Nếu bất cẩn, sẽ phạm trọng tội…” (Sắc chỉ của Vua Minh Mạng ra lệnh thủy binh ra trấn giữ Hoàng Sa, Trường Sa), nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã hư cấu lên câu chuyện về Hoàng Sa qua mối tình của Đội Nhất- đội trưởng thủy binh và Lý Thắm - 1 trong những cô gái theo đoàn thủy binh ra giữ đảo. Cuốn tiểu thuyết này là luận chứng về thân phận người Việt đã sống truyền đời trên quần đảo cát vàng có tên Hoàng Sa, ghi lại lời kể của những sinh linh đã tồn tại đời đời kiếp kiếp trên Hoàng Sa. Cương giới Việt ở đây là bằng xương cốt của nhiều thế hệ, vì thế nên cát mới vàng, màu của xương cốt, hồn vía, và những linh thiêng đó đã dẫn đường cho nhà văn tìm đến, để nghe họ kể lại và ghi ra bằng tất cả những gì mà nhà văn cảm, thấy, nghe được.
Cuốn tiểu thuyết bắt đầu lần theo những dấu chân người Việt cổ đầu tiên đặt lên quần đảo cát vàng, khi ấy còn hoang vu và người Việt đã phát hiện, đặt tên, đưa nó vào hình hài Tổ quốc. Những cái tên như đảo Ốc, đảo San Hô, đảo Đá Hút, đảo Chim Yến, đảo Vú Mẹ… được đặt sau những cuộc chiến giữ đất với Bắc triều. Nhân vật Lý Thắm mềm mại mà mạnh mẽ, hy sinh thân mình vì nàng là cả triệu vóc dáng của những người đàn bà Việt, muôn phần lo toan, muôn phần chờ đợi. Sự chờ đợi của những người đàn bà dành cho người đàn ông Việt nơi chiến trận biến thành sức mạnh ở cung tên, nơi gươm giáo trước quân thù.
Cuốn tiểu thuyết dày 500 trang của nhà văn Nguyễn Quang Vinh là thành quả của quá trình lao động cần mẫn của ông sau một thời gian dài lăn lộn với những bằng chứng lịch sử về quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sách do NXB Hội Nhà văn phát hành tháng 8.2014.