Chuyện chỉ có ở Việt Nam
20h ngày 2.8 liveshow Khánh Ly chính thức diễn ra ở Trung tâm hội nghị Quốc gia Hà Nội. 19h, Giám đốc và Phó giám đốc của Trung tâm Bảo vệ Tác quyền Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) có mặt ở sảnh đề yêu cầu ban tổ chức thanh toán tiền tác quyền cho những nhạc sỹ có ca khúc được trình diễn.
Liveshow Khánh Ly vướng phải những lùm xùm quanh vụ tác quyền âm nhạc.
Giám đốc VCPMC - nhạc sỹ Phó Đức Phương thậm chí còn tuyên bố, trong trường hợp cần thiết, ông sẵn sàng lên sân khấu để nói rõ cho khán giả biết việc BTC show Khánh Ly đã trốn tránh việc thanh toán tiền tác quyền.
Rất may, chỉ khoảng nửa tiếng trước khi tiếng hát Khánh Ly được vang lên, BTC và VCPMC đã tìm được tiếng nói chung. Câu chuyện ông giám đốc đi đòi tiền tác quyền vừa bi hài vừa gay cấn trên có lẽ chỉ xảy ra duy nhất ở Việt Nam.
Khánh Ly hẳn sẽ chẳng vui lòng khi show diễn của bà vướng phải những lùm xùm xung quanh vấn đề bản quyền.
Tự ý thay đổi cách thức tính tiền bản quyền
Sở dĩ câu chuyện tác quyền cho liveshow Khánh Ly gay cấn tới tận phút cuối là do phía tổ chức và VCMPC không tìm được tiếng nói chung trong việc tính toán số tiền tác quyền cụ thể.
Theo nhạc sỹ Phó Đức Phương, vài tuần trước khi liveshow Khánh Ly diễn ra, VCPMC tính số tiền tác quyền cho các nhạc sỹ có ca khúc biểu diễn trong show này theo công thức lấy 5% x 75% số vé x giá vé bình quân. Như vậy, theo cách tính này, BTC show Khánh Ly sẽ phải trả số tiền tác quyền là 268 triệu, tương đương với khoảng 13 triệu/ca khúc. Tuy nhiên, họ đã không đồng ý với lý do vé mới chỉ bán được 30%.
Trong cuộc làm việc vào phút chót, VCPMC đã đồng ý thay đổi cách tính tiền bản quyền. Theo đó, thay vì lấy 75% số vé, họ đã giảm xuống còn 40%, và như thế, BTC show Khánh Ly chỉ phải trả 175 triệu tiền bản quyền, tương đương với 10 triệu/ca khúc. VCPMC nói rằng, do họ thông cảm với BTC vì khâu bán vé không có được kết quả như mong đợi.
Nhạc sỹ Phó Đức Phương chia sẻ về cách tính tiền tác quyền trong show diễn Khánh Ly.
VCMPC đã có thiện chí trong việc chia sẻ những khó khăn với BTC liveshow Khánh Ly nhưng hành động của họ lại khiến những đơn vị sản xuất chương trình khác bức xúc. Ông Trần Bình - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đương đại còn đặt ra vấn đề: "Việc nâng giá vé gửi xe máy, ô tô lên mà các cơ quan chức năng còn phải bàn lên tính xuống chán mới quyết định được, vậy mà việc điều chỉnh số tiền lên tới hàng trăm triệu lại diễn ra một cách rất nhanh chóng và chỉ phụ thuộc vào quyết định một vài cá nhân như thế thì thật khó hiểu".
Ông Trần Bình cũng cho rằng, việc có thể dễ dàng thay đổi % số vé trong cách tính tiền tác quyền như thế tưởng nhỏ nhưng lại không nhỏ vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới 130 đơn vị nghệ thuật và hơn 2.000 công ty tổ chức sự kiện lớn nhỏ trong cả nước.
Tư cách pháp lý của VCMPC
Ngoài những bức xúc trên, nhạc sỹ Trần Bình cung đặt ra nhiều câu hỏi về tư cách của VCMPC. Ông cho biết, Nghị định 41 (ra ngày 21/9/2006) của chính phủ quy định: “Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan phải được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan ủy quyền".
Chiếu theo Nghị định này thì VCMPC chỉ được đại diện cho các nhạc sỹ đã ký hợp đồng ủy quyền cho trung tâm thực việc thu tiền tác quyền. Tuy nhiên, VCMPC chưa bao giờ cung cấp đủ hợp đồng đối với các nhạc sỹ mà họ đã đại diện. Hơn nữa, trong một đêm nhạc có các ca khúc của nhiều tác giả, trong đó có những tác giả không ký hợp đồng ủy quyền cho VCMPC thì tại sao họ có thể đứng ra thay mặt để thu tiền tác quyền?
Nhạc sỹ Trần Bình còn chỉ thêm một bất cập nữa là hoạt động của VCMPC dựa trên Nghị định 61 của Chính phủ. Tuy nhiên, Nghị định này được ban hành căn cứ vào Bộ luật Dân sự năm 1995 trong khi bộ luật này đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Bộ luật Dân sự năm 2005. Chính vì thế, nghị định này đã lỗi thời.
Hơn nữa, nếu áp dụng theo nghị định này trong mỗi buổi biểu diễn, bên tổ chức sẽ phải chi trả 15 - 21% doanh thu tiền tác quyền cho các tác giả bao gồm nhạc sỹ, người phối khí, người dàn dựng, biên kịch, họa sỹ...., như vậy tác quyền cho các nhạc sỹ chỉ là một phần nhỏ và mức 5% trong công thức tính tiền tác quyền (5% x 75% số ghế x giá vé trung bình) cũng chỉ là mức mà VCMPC đặt ra.
Nhạc sỹ Trần Bình - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam.
Ngoài việc cách tính số tiền tác quyền cụ thể, nhạc sỹ Trần Bình còn có nhiều bức xúc khác xung quanh vấn đề thu tiền tác quyền. Theo ông, giá tiền tác quyền âm nhạc ở Việt Nam quá cao. Ông cho biết: "Bên Singapore, họ cũng chỉ đưa ra mức giá vào khoảng 5 - 7 đô Sing" (tương đương khoảng 85.000 - 120.000 VNĐ).
Nhạc sỹ Trần Bình cho biết thêm, đối với các nhà hát, sau mỗi đêm diễn, các nghệ sỹ chỉ nhận được số tiền catse là vài trăm ngàn nhưng số tiền bản quyền ca khúc đôi khi lại còn nhiều gấp đôi và đó là điều rất bất hợp lý.
Nhạc sỹ này còn chia sẻ một câu chuyện rằng: Nhạc sỹ Phú Quang cứ 3 hoặc 6 tháng thì được VMCPC thanh toán tiền tác quyền một lần. Tuy nhiên, họ lại không ghi rõ số tiền đó thu được từ chương trình biểu diễn hay chương trình truyền hình nào, trong khi mỗi chương trình họ lại tính với mức giá khác nhau. Chính điều này khiến Phú Quang cũng như các nhạc sỹ cảm thấy không an tâm khi giao đứa con tinh thần của mình cho VCMPC.
Chưa kể vào đó, nhiều nhạc sỹ còn bức xúc vì VCMPC mới chỉ thực hiện việc đi thu tiền tác quyền mà chưa có hành động quyết liệt để bảo vệ họ trước những hành vi ăn cắp bản quyền.
Câu chuyện về thu tiền tác quyền sẽ còn là một câu chuyện dài ở Việt Nam. Trước đó, vào cuối năm 2013, Cục nghệ thuật biểu diễn, Giám đốc các nhà hát và đại diện Hội nhạc sỹ Việt Nam cũng đã có một cuộc họp để bàn về vấn đề này. Tuy nhiên, mọi chuyện cũng chỉ dừng ở mức đó chứ chưa đi đến đâu cả.