Dân Việt

Đừng nhìn với ánh mắt hoài nghi

Đào Tuấn 06/08/2014 05:12 GMT+7
“Dù có nhiều văn bản đôn đốc của cơ quan lao động xã hội địa phương và các đoàn kiểm tra của UBND quận Long Biên, Chùa Bồ Đề vẫn chưa thành lập cơ sở bảo trợ xã hội”. 

“Các cơ sở tôn giáo thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật thì mới được xem xét cho người khác nhận con nuôi. Như trường hợp của Chùa Bồ Đề là không được phép”. Đây là ý kiến chính thức của Phó Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) ông Tô Đức- xung quanh nghi án mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề.

“Chưa thành lập”; “Không được phép”…Những phát ngôn này nghe rất quen. Như đã từng xảy ra trong các vụ sập mỏ đá, bảo mẫu hành hung trẻ em.

Và còn quen ở thời điểm phát ngôn: Câu chuyện “Không được phép” chỉ được cơ quan chức năng phát hiện, và kết tội- sau khi các sự cố nghiêm trọng đã xảy ra cứ như thể chúng là chuyện của ai đó, xảy ra ở đâu đó.

Việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án buôn bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề trong mấy ngày qua đã trở thành sự kiện chấn động dư luận. Không phải chỉ ở việc cháu bé bị mua bán trao tay đã chết, mà vì câu chuyện buôn bán ấy đang xảy ra ở dưới mái chùa mang hai chữ Bồ Đề, trong một hoạt động trước nay vẫn được coi là nhân đạo.

Nhưng những “phát hiện” của cơ quan chức năng, rằng: Chùa Bồ Đề chưa thành lập cơ sở bảo trợ xã hội, không được phép cho nhận con nuôi... lại đang làm nảy sinh một câu hỏi lớn trong dư luận: Vậy thì trong ngần ấy năm, cơ quan chức năng đã làm gì?

Không ai biết.

Chỉ biết là sau nghi án này, rất có thể sẽ lại có các cuộc kiểm tra, chấn chỉnh… cho đến khi có một vụ việc mới xảy ra. Nhất là khi sự kiện chùa Bồ Đề đang được nhìn nhận theo một cách thức tiêu cực. Chẳng hạn những hàng tít báo: Cháu bé 5 tuổi gửi chùa Bồ Đề nghi bị xâm hại tình dục.

Cây bồ-đề (Bodhi tree) được gọi là “asvatthi”, khi thái tử Tất- đạt- đa trải qua trọn một tuần lễ bảy ngày nhìn vào cây bồ-đề và đạt giác ngộ, Phật giáo từ đó gọi bồ-đề là “cây giác ngộ”. Thái tử Tất- đạt- đa đã ngộ ra điều gì trong 7 tuần ngồi dưới gốc Bồ-đề ấy? “Trên thế gian, người có tâm lành, có thiện chí, người biết tự kiềm chế, thu thúc lục căn đối với tất cả chúng sanh là hạnh phúc...”.

25 thế kỷ đã qua, và cây bồ-đề đó tới nay vẫn còn sống như sự trường tồn của tinh thần từ bi phật giáo.

Một vụ mua bán trẻ em. Một cá nhân phạm pháp. Điều đó không có nghĩa chúng ta có thể nhìn vào những ngôi chùa với ánh mắt hoài nghi. Không có nghĩa là để sau đó những quyết định hành chính hùa theo dư luận được trát ra.

Sẽ ra sao nếu như không có những mái chùa, những nhà dục anh? Sẽ ra sao số phận những đứa trẻ mà ngay cả cha mẹ chúng cũng ruồng bỏ?!