Chống lũ, cắt lũ đều… bất lực
Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với đời sống người dân sống trong vùng hạ du của các công trình thủy điện là lũ lụt về lúc nào không biết. Nước lũ về từ trên trời, từ ngay các công trình thủy điện đổ xuống... Không chỉ tính mạng bị đe dọa mà tài sản, của cải của người dân đều có nguy cơ bị cuốn trôi lúc nào không biết. Đến mùa khô thì lại không có giọt nước nào để sinh sống, sản xuất.
Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và môi trường) Châu Trần Vĩnh cho biết, thực tế hiện nay, hầu hết các hồ thủy điện đều không có nhiệm vụ chống lũ cho hạ du mà chỉ tham gia giảm lũ. Tổng dung tích các hồ so với tổng dung lượng lũ là quá nhỏ nên chống lũ, cắt lũ với nhiều nhà máy thủy điện là bất lực.
Ông Lê Hồng Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nguồn nước và vệ sinh môi trường nông thôn (Bộ NNPTNT) cũng nêu thực tế: Mục tiêu sản xuất điện của hầu hết các nhà máy thủy điện đều đạt cả nhưng chống lũ, cấp nước thì không đạt, có nơi “mất hẳn”. Điều này gây không ít hệ lụy cho đời sống người dân. Trong khi đó, nhiều hồ thủy điện lớn đa mục tiêu đang bị “xé” thành nhiều hồ nhỏ phục vụ cho phát điện nếu không nghiên cứu kỹ và xây dựng quy trình vận hành để các hồ này giúp giảm lũ, cấp nước thì tới đây cuộc sống người dân nhiều vùng hạ du còn khốn khó hơn.
Theo ông Hoàng Văn Nhân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, mục tiêu của Chính phủ là đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện phải tốt hơn, nhưng thực tế hiện nay việc thực thi chính sách được mặt này lại hỏng mặt kia. Không chỉ ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt mà sản xuất của người dân cũng đang hết sức khó khăn.
Quan trắc, cảnh báo thế dân chết…
Ông Nguyễn Ngọc Hòa-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã không khỏi lo ngại tình trạng quan trắc, cảnh báo tại các hồ thủy điện hiện nay. Ông Hòa cho biết, hồ Cửa Đại của Thanh Hóa chỉ có dung tích 2 tỷ m3 nước nhưng liên quan đến 7 huyện với hàng triệu hộ dân, nếu không có quan trắc hàng năm sẽ rất nguy hiểm. Chưa kể hồ này cũng chưa xong quy trình vận hành liên hồ chứa mà mùa lũ đã đến, “nếu lũ chồng lũ tới đây thì 7 huyện xung quanh hồ Cửa Đại không biết ra sao?!”-ông Hòa lo lắng.
Không chỉ Thanh Hóa mà tại tỉnh Lâm Đồng khâu bồi thường giải phóng mặt bằng di dân tái định cư cũng đang ở tình trạng “lớn vướng lớn, nhỏ vướng nhỏ” mặc dù tỉnh này đã rà soát bỏ 46 dự án thủy điện và hiện chỉ còn 37 dự án. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến cho biết, có dự án thủy điện 10 năm rồi vẫn chưa xong việc bồi thường cho dân. Hệ quả là người dân cứ sống vất vưởng, không ổn định.
Bức xúc nhất vẫn là phát biểu của ông Đào Xuân Liên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai không chỉ về vụ vỡ đê quai tại Thủy điện Ia Krêl 2 vừa xảy ra mà còn là tính hiệu quả của không ít các dự án thủy điện hiện nay. Đơn cử như Thủy điện An Khê Kanak của tỉnh này giờ muốn đánh giá tác động môi trường cũng không nổi. Công suất chỉ 175 MW nhưng dự án này có đầu tư quá lớn, đền bù cho dân cũng chưa có.
“Chúng ta làm thủy điện mà để đời sống người dân rất khó khăn. Thực tế là nhà cửa tốt hơn, đường sá tốt hơn nhưng đời sống người dân tồi hơn do sản xuất, canh tác của người dân không được giải quyết”- ông Liên nói. Ngay vụ vỡ đê quai vừa rồi của Thủy điện Ia Krêl 2, ông Liên cho biết, kết luận là do chủ đầu tư làm không đúng quy trình, giám sát của các cơ quan liên quan có vấn đề. Từ vụ việc này, chúng tôi đã yêu cầu dừng các dự án thủy điện nhỏ, không làm nữa”-ông Quảng nói.