Phim dùng kinh phí nhà nước, khoảng 6 tỷ đồng, không chịu áp lực “câu khách”, mục đích thì đã rõ: làm để chiếu buổi đầu tiên trong một sự kiện của ngành: Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần 2. Thế nhưng, nếu chỉ dùng từ “thất vọng” e rằng vẫn còn là quá nhẹ với những gì đã diễn ra tại buổi lễ khai mạc của Liên hoan phim lần này.
Diễn viên Kim Tuyến và Quách Ngọc Ngoan trong một cảnh quay của "Cát nóng" |
Truyền hình hóa một tác phẩm điện ảnh
Một điều nực cười ở chỗ, đây là một Liên hoan phim quốc tế tức là một sự kiện đề cao tính điện ảnh, nhưng trong buổi lễ khai mạc, đạo diễn Lê Hoàng tuyên bố đầy vẻ “thanh minh” rằng “bộ phim được quay bằng một máy quay truyền hình và được chuyển sang dạng phim nhựa. Nhưng điều đó không quan trọng, bởi thứ xuất phát từ đây (ông đưa tay chỉ vào đầu mình) mới là quan trọng”.
Nếu như thứ quan trọng đó được thể hiện qua bộ phim xuất phát từ bộ phận chỉ huy toàn bộ cơ thể của Lê Hoàng, của toàn bộ những lộng ngôn trước nay của ông về điện ảnh, chê trách đồng nghiệp tiêu phí tiền của dân làm ra những bộ phim yếu kém thì có vẻ ông đang trở nên tội nghiệp, bởi “sự quan trọng” đó quá nghèo nàn.
Bộ phim được “dán mác” điện ảnh nhưng trong toàn bộ quá trình diễn tiến, tuyệt nhiên khán giả không tìm được một khuôn hình nào có tính chất điện ảnh thực sự. Nếu có, phải chăng đó là một góc máy bắt từ trên trần nhà xuống căn phòng giam tù, thể hiện sự tù túng và bí bách của nhân vật chính – cô gái tên Cát? Chấm hết. Còn lại là những cảnh quay mang tính chất “khoe mẽ”, quay toàn cảnh bằng máy bay và lướt trên bối cảnh để tạo sự hoành tráng hùng vĩ nhưng bất thành.
Ca sĩ Phương Thanh trong một cảnh quay |
Đó là những thứ “đập” vào mắt khán giả. Còn nói về câu chuyện phim thì nó là một sự giả tạo ngây ngô đến phát bực với câu chuyện của một cô gái tên Cát yêu và bảo vệ con Giong (một loài họ thằn lằn sống trên cồn cát – PV) xuất phát từ một biến cố gia đình. Sự bực mình ở chỗ sự ngây thơ của cô gái đó được thể hiện với tất cả những thứ mới tinh cô gặp trong đời sống. Chẳng hạn con chó đồ chơi bị hết pin, cô tưởng con chó đã chết nên cũng thẫn thờ buồn. Cô Cát giống như một Tazan nữ bước ra từ những khu rừng đại ngàn và… hồn nhiên sống với mấy con Giong, vẹt, vịt gà ngan ngỗng.
Sự sống sượng còn ở chỗ nhân vật chính tên Nam – giám đốc một resort – đang cố gắng tiếp cận, hiểu, cảm thông với cô gái chân thật theo kiểu “cô ấy không giống ai trong số chúng ta” và “cô ấy là báu vật của đời” nhưng Nam lại là một anh giám đốc vô dụng, chẳng quyết được điều gì và bị chỉ đạo bởi Tuyết – chủ của khu resort đồng thời cũng là người yêu của Nam. Cuộc chiến giành tình và giành đất giữa hai người phụ nữ bắt đầu. Tình thì ngày càng nghiêng về Cát, còn đất thì nghiêng về Tuyết vì túp lều tranh của Mai – Cát nằm trên vùng đất mà Tuyết muốn mua để xây dựng một bến phà nhằm thúc đẩy danh tiếng khu resort.
Một thông điệp kiểu bảo vệ động vật hoang dã, cân bằng sinh thái, loài người gớm ghiếc phá hoại môi trường. Đề tài này đáng được hoan nghênh. Nhưng cách mà đạo diễn cố chuyển tải thông điệp trong bộ phim đã phản tác dụng, không nhấn được trọng tâm câu chuyện, nhàn nhạt trôi đi trong tiết tấu đều đều của bộ phim. Và kết thúc, chẳng mấy ai ấn tượng dù quan khách (số ít ỏi còn lại vì các khách mời quốc tế đã đứng dậy đi về rất nhiều từ khoảng phút thứ 15 của bộ phim) cũng chỉ là thủ tục mang tính chất lịch sự với một bộ phim chiếu khai mạc.
Một kịch bản lỏng lẽo
“Cát nóng” được làm từ kịch bản ban đầu của Phạm Thùy Nhân – đã viết cách đây rất lâu – và được Lê Hoàng chỉnh sửa cho mang tính thời sự. Thế nhưng sự chỉnh sửa đó không mang lại sự “sâu sắc” mà chỉ làm khán giả phì cười về những câu thoại “rất nguy hiểm” của nhân vật cũng như trình tự tuyến tính, sự logic của câu chuyện. Ngoại trừ Mai – Cát ra thì tất cả các nhân vật trong phim đều không có xuất sứ và tính cách cũng hoàn toàn có vấn đề.
Vai nam chính tên Nam là một người đàn ông không có chính kiến thể hiện sự nhu nhược của mình nhiều hơn là một người biết thương và cảm thông với người khác. Tuyết là một cô tiểu thư kênh kiệu, đầy thủ đoạn và cố tỏ vẻ ra … nguy hiểm, sẵn sàng làm mọi điều để đạt được mục đích cho dù có thể phải đạp lên người khác. Nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở bề mặt cũng như đầy mâu thuẫn khi thốt lên rằng “em yêu mảnh đất này” cuối phim khi nhân vật Nam quyết định bỏ đi.
Cát là cô gái ngây thơ, lúc là “nàng tiên cá” và lúc là “con khùng” trong mắt Nam cũng hiện lên đầy cường điệu. Cát ngây thơ với tất cả mọi chuyện, từ nhỏ nhất tới lớn nhất, như cỏ dại tự sinh tồn và xa lạ với đời sống con người. Thế nhưng, khi nằm bệnh viện, cô bỏ trốn và biết cách sắp xếp các chiếc gối lại và phủ mền lên theo đúng hình dạng một người đang nằm viện để đánh lừa Nam và… lực lượng công an. Rồi cảnh nhân vật Cát cầm dao đâm Tuyết cũng vậy. Cô muốn trả thù cho những con Giong bị người phụ nữ kia giết nhưng không hiểu tại sao mình lại làm vậy và buông dao xuống trong khi mặt đầy ngơ ngác.
Đành rằng, khi dồn vào chân tường thì ai cũng có thể làm bất cứ điều gì để tự bảo vệ. Nhưng cái cần của một kịch bản khéo là một sự “cài cắm” tình tiết trước đó, để thấy trạng thái đó của nhân vật không bị giả tạo. Thật tiếc điều đó hoàn toàn không có trong các biểu hiện rất “khùng điên và nữ tính” là lao vào đánh đấm như…đánh trận giả. Trong khi đó, ở phía đối diện, nhân vật Tuyết lại từng nói: Nếu đánh em một lần nữa, cô ta sẽ chết (nói với Nam). Nhưng cuối cùng thì… cô không làm được gì cả!
(Còn nữa)