Dân Việt

QL37 đoạn Thái Nguyên-Tuyên Quang: Xe quá tải đua nhau vượt chốt

Vinh Hải 07/08/2014 08:30 GMT+7
Quốc lộ 37 dài 470km nối các địa phương: Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái và Sơn La. Đoạn từ ngã ba Bờ Đậu (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đến Đèo Khế (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) từ lâu là tuyến vận chuyển, trung chuyển vật liệu xây dựng đang từng ngày bị cày nát vì những đoàn xe quá tải.

Xe tải hạng nặng chui lọt 2 chốt kiểm soát

Dù có chốt kiểm tra của lực lượng CSGT nhưng cả ngày lẫn đêm tuyến Quốc lộ (QL) 37 đoạn Bờ Đậu – Đèo Khế vẫn đang phải oằn mình cõng từng đoàn xe quá tải. 19 giờ tối một ngày đầu tháng 8, từ QL 3 rẽ vào QL 37 ở ngã ba Bờ Đậu (TP.Thái Nguyên) chúng tôi đã thấy nhiều xe tải có thùng xe được cơi nới chở vật liệu xây dựng di chuyển theo hướng Tuyên Quang – Thái Nguyên. Xe chở xi măng, đá dăm từ Thái Nguyên chạy lên Tuyên Quang và ở chiều ngược lại, chủ yếu là xe cát đổ về hướng Thái Nguyên. Hiện tượng xe quá tải từ lâu đã được báo động trên tuyến đường này. Thậm chí cầu Suối Mang nằm trên tuyến này (thuộc địa phận thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ) trong năm 2013 đã phải “cấp cứu” khẩn cấp do bị xe quá tải làm nứt mố cầu.

20 giờ, tại thị trấn Hùng Sơn (huyện Đại Từ) bắt đầu lác đác xuất hiện những chiếc xe Howo (hay còn gọi là xe hổ vồ) 20 tấn chở vật liệu xây dựng. Xe bịt kín thùng hàng, xe container chạy với tốc độ cao theo cả hai hướng. Tuyến đường trở nên sôi động hơn từ lúc 22 giờ 30 mặc dù có một chốt CSGT ở ngay gần trung tâm thị trấn Yên Lãng (huyện Đại Từ). Tại ngã ba Yên Lãng – đường đi mỏ than Núi Hồng trong khoảng thời gian từ 22 giờ 30 đến 23 giờ, chúng tôi quan sát được hàng chục lượt xe tải nặng chạy qua với tốc độ cao.

Trên Đèo Khế, ranh giới giữa hai tỉnh cũng có một chốt kiểm tra của lực lượng CSGT trên địa phận tỉnh Tuyên Quang. Điểm chốt nằm trên con đường độc đạo vắt qua đèo nên không một xe ô tô nào có thể tìm đường đi khác vòng tránh trạm. Thế nhưng, những chiếc xe tải hạng nặng vẫn có thể vượt chốt.

Gần nửa đêm tại địa phận huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) cánh lái xe nghỉ ăn đêm để lấy sức vượt đèo. Xe tải mang BKS 20C – 05... là một trong những xe đầu tiên vượt đèo hướng về Thái Nguyên lúc 0 giờ 30 phút. Tương tự như hai xe tải đi trước, xe mang BKS 20C – 05... cũng đã qua chốt mà không bị dừng để kiểm tra.

Trước nửa đêm, có nhiều xe đi hướng Thái Nguyên – Tuyên Quang. Sau thời điểm này, lượng xe theo chiều ngược lại nhiều hơn. Thậm chí, qua cầu Sơn Dương đi về phía Thái Nguyên, gần đến Đèo Khế có sẵn một số điểm tập kết để xe “hổ vồ” ăn cát. Xe không đi thành đoàn mà đi lẻ 1 – 2 chiếc và phóng với tốc độ rất cao.

“Điểm nóng” không trạm cân

Đường qua Đèo Khế là độc đạo, không có đường vòng tránh trạm. Nhưng khi xuống chân đèo, xe chở quá tải có thể đi đường liên xã qua xã Na Mao vòng tránh chốt CSGT của Thái Nguyên để ra lại QL 37 ở đoạn đường gần địa điểm cây Đa Đôi. Tuy nhiên, ngay giữa ban ngày cũng có những xe quá khổ, chở hàng lặc lè không cần phải đi vòng tránh để qua mặt lực lượng CSGT.

Như trường hợp xe tải 20C – 05... di chuyển hướng Tuyên Quang – Thái Nguyên đã rẽ vào đường đi qua xã Na Mao. Nhưng khi phát hiện có xe bám đuôi, bất ngờ, chiếc xe tải này lại quay đầu trở lại đường QL37 và đi qua chốt kiểm soát mà không bị kiểm tra. Tương tự, xe tải có kích thước thùng hàng được cơi nới BKS 19C – 01... chở đầy hàng cũng vượt chốt kiểm tra thành công.

Hậu quả, đoạn QL 37 qua địa bàn huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đang bị cày nát từng ngày. Không tính đoạn đường thuộc địa phận xã Hà Thượng nằm trong công trường Công ty Khai thác khoáng sản Núi Pháo, nhiều đoạn tuyến đã “đất hóa đường nhựa” thành công. Một người dân bán hàng ở khu vực gốc Đa Đôi (xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ) cho biết: “Trước tháng 6, từng đoàn xe chở cát sỏi xi măng chạy rầm rập qua đây. Từ khi có chốt kiểm soát, tình hình có vẻ lắng dịu. Xe chở vật liệu xây dựng không chạy theo đoàn nữa nhưng vẫn hoạt động khá thường xuyên, đi đường vòng hoặc chạy tốc độ cao qua khu vực này nên rất nguy hiểm”.

Dù đã được UBND tỉnh Thái Nguyên xác định là “điểm nóng” với tình trạng xe quá tải phá đường, thế nhưng, trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động được Tổng cục Đường bộ Việt Nam trang bị lại được tỉnh Thái Nguyên đặt ở khu vực đường tránh thành phố. Một lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên xác nhận tuyến đường này chưa được trang bị trạm cân và chưa bố trí khu vực hạ tải. Hiện các cơ quan chức năng mới đề nghị bố trí thêm các cân xách tay để kiểm soát tải trọng trên tuyến đường này. Trong khi chờ trạm cân, QL 37 vẫn hàng ngày bị hàng đoàn xe quá tải cày nát.

  Theo giới lái xe tải đường trường, thường những xe muốn chở quá tải thì lái xe phải bơm thật căng lốp và để tránh lực ma sát giữa bánh xe và mặt đường nhanh làm nóng bánh xe dẫn đến nổ lốp, các tài xế thường phải tưới nước liên tục vào bánh xe tại các trạm tiếp nước suốt trên dọc hành trình.