Người đàn ông "cả nể" hào hoa
Đã đi hơn 30 nước khắp thế giới, NSH Dương Trung Quốc, với kiến văn và các tác phẩm đa dạng, còn là một nhà báo, nhà văn hoá nặng tình với Hà Nội, quê mẹ ông, nơi cha ông (người gốc Bến Tre) đã nằm xuống - liệt sĩ Dương Trung Hậu, nơi 3 anh em trai của ông được sinh ra ở phố cổ kinh kỳ.
Tuổi 65 còn xa mới "hưu" với người tham công tiếc việc lại "cả nể" này. Ông hay (được/bị) trả lời phỏng vấn các báo, đài. Nói cũng như viết, mỗi câu của ông đều chứa thông tin được diễn tả cuốn hút, duyên dáng. "Kẻ yêu mình" tuổi Đinh Hợi có gần 5.000 con lợn đủ chất liệu bày từ tủ phòng khách, dọc cầu thang, các phòng tầng gác.
Người chăm lo nhà cửa và đàn lợn khổng lồ này là phu nhân của ông, bà Nguyễn Thu Hằng (em gái nhạc sĩ Nguyễn Cường), một phụ nữ Hà Nội có làn da trắng, đôi bàn tay, bàn chân đẹp như con gái, dù tuổi 62. Bà rất nhân hậu, giản dị và chu đáo, khéo léo gia chánh.
Nhà sử học Dương Trung Quốc |
"Bay như chim" là tiết điệu dịch chuyển của Dương sử gia. Sáng Hà Nội, chiều Hải Phòng, tối Sài Gòn là chuyện thường. Vừa là Đại biểu Quốc hội 3 khoá liên tiếp (đại biểu tỉnh Đồng Nai), uỷ viên Uỷ ban Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, TBT tạp chí Xưa và Nay, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, lại làm cố vấn cho nhiều báo, tổ chức, giữ chuyên mục "Nghỉ ngơi cuối tuần" cho báo Lao động cuối tuần, ông Dương Trung Quốc không có khái niệm ngủ trưa, đêm cũng bật đèn làm việc, chỉ ngủ 3 tiếng.
Thông thạo tiếng Pháp, Anh, NSH Dương Trung Quốc có thêm 2 chìa khoá để trực tiếp mở vào thế giới qua kênh đọc, công du, song lại giữa nếp nhà truyền thống. Mẹ ông, cụ Nguyễn Thị Bảy (con gái chủ nhà máy rượu Gia Lâm) 88 tuổi, vẫn minh mẫn, sống tại nhà 27 Hàng Đường, tứ đại đồng đường. Không ở cùng mẹ, gia đình ông Quốc vẫn đoàn tụ dịp cuối tuần, giỗ Tết.
Làm việc nhiều như vậy là "cậy" thể lực 1m73, 78 kg, và cả sự "liều" xả thân, song ông Quốc được tiếng "đẹp lão", cười tươi. Hóm hỉnh, tư duy canh tân làm ông giữ được sự trường xuân của tâm hồn.
Trước đây, ông tranh thủ đánh tennis buổi tối tại Khách sạn Thắng Lợi, sau này bận quá chẳng có lúc nào tập thể dục, ông mua xe đạp đi làm. Sân nhà ông để 2 chiếc xe đạp điện Trung Quốc hiệu Giant và xe đạp thường Asama. Có lúc ông chọn đi bộ. Bị gút, huyết áp cao, mà ông lại thường xuyên được mời tiệc tùng, gắn với các chương trình, hội nghị. Ông rất biết hạn chế ăn uống. Là người của công chúng, ông có hình vóc tươi sáng do vẻ đẹp cha mẹ cho, cùng ánh sáng trí tuệ, chứ không cầu kỳ mặc đồ hiệu.
Ở nhà, phòng làm việc của ông "bất khả xâm phạm", không được dọn dẹp vì sách vở tài liệu chất đầy, ông ngủ luôn ở đấy. Bữa sáng của ông do vợ chuẩn bị, có khi là bánh mì, xôi, lúc ra đầu ngõ ăn phở, bánh cuốn. Biết đủ sơn hào hải vị, nhưng thường ngày, ông được vợ đánh giá là "dễ nuôi". Ông ít ăn cơm nhà, thỉnh thoảng ăn bữa tối; món "ruột" trường kỳ là ruốc, thích rau, cà bung. Có cân thịt cá sấu do Vua cá sấu Cao Văn Tuấn Hải Phòng biếu, ông đem về, bà Hằng sáng tạo món cà ri cá sấu, thực khách khen nắc nỏm. Với ông, bữa cơm vợ nấu ngon nhất.
Hạnh phúc bên người vợ đảm đang và "người tình công việc"
Bà Hằng bị tiền đình nhiều năm, thêm bệnh khớp chân, ngại đi xa; ông thì hay công tác. 2 con gái của ông bà rất quan tâm đến bố mẹ. Con gái cả Thu Nga (SN 1975) giống cha, có một bé gái Phương Anh sắp vào lớp 6; con gái út Thanh Huyền (SN 1979) giống mẹ, có 2 con trai Quốc Anh (3 tuổi), Thành An (2 tuổi). Ông Quốc đặc biệt chiều cháu. Đi đâu, ông cũng sưu tầm ốc biển cho Phương Anh, cô bé thần tượng ông ngoại, đã học piano 3 năm.
Ipad, Iphone thức thời, nhãn quan hiện đại, nhưng ông Quốc rất đề cao giá trị của gia đình yên ấm, nề nếp. Đó là doping tinh thần của ông. Mẹ ông còn 1 người em ruột, cậu Bính, lấy vợ Tây, định cư tại Pháp. Văn hoá Pháp thấm sâu, Dương Trung Quốc thừa sự lịch lãm và sức hấp dẫn người đối thoại, lại có người vợ lý tưởng, là cựu kế toán mà cả đời không bao giờ hỏi lương chồng, hỏi chồng đi đâu, ông đưa bao nhiêu bà biết chừng ấy. Bà rất tin ông bởi Dương Trung Quốc luôn nể trọng vợ và "người tình" của ông là công việc, liên miên.
Cuối tháng 6 vừa qua, NSH Dương Trung Quốc lại qua Mỹ, ông đã ở lại dự quốc khánh thứ 236 của Mỹ. Hôm 3/7, ông tới công viên quốc gia Military thăm khu di tích lịch sử về trận chiến Gettysburg tiểu bang Pennsylvania, cách thủ đô Washington DC 1,5 giờ ô tô, nơi diễn ra trận chiến khốc liệt 3 ngày với 51.000 người chết vào đúng ngày kỷ niệm 149 năm trận đánh lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ (1-3/7/1863). Người chỉ huy và chiến thắng cuộc nội chiến này là tướng Abraham Lincoln, nhà tư tưởng bất hủ với "Tuyên ngôn độc lập" khai sinh nền độc lập Mỹ - vị anh hùng dân tộc, là 1 trong 3 tổng thống vĩ đại nhất của Hoa Kỳ (cùng Washington và F. Roosevelt).
Ngồi bên tượng Lincoln, NSH Dương Trung Quốc nghĩ về lịch sử Việt Nam và một điều mà chỉ những người chịu đọc ông, tìm hiểu về ông mới thấy: bí quyết giúp ông kiên cường làm việc quanh năm không nghỉ, nhờ quyết tâm cống hiến lịch sử đời mình hoà vào lịch sử Việt Nam tạo nên một kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai mà chỉ sử gia tài cao mới làm được.
Ông cũng là một chuyên gia về cái đẹp, đã dùng "mắt xanh" làm giám khảo cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần 2 (12/2011), Người đẹp xứ dừa. Niềm đau đáu suốt đời mà sử gia luôn chú ý dồn tâm huyết là tìm kiếm, lưu giữ, bảo vệ những vẻ đẹp đang bị phá huỷ, xâm hại, có nguy cơ biến mất của Thăng Long yêu dấu. Coi GS Vũ Khiêu là người thầy kính mến, nhà sử học tận lực lao động bởi ông cho rằng, sống để cống hiến nhiều nhất chính là sống có ý nghĩa.
Tôi có dịp may mắn được cùng GS Vũ Khiêu về quê GS ở Xuân Trường, Nam Định dự khai giảng Trường THPT Cao Phong - tên ngôi trường là bút danh của GS Vũ Khiêu. Nhà sử học Dương Trung Quốc về dự và tặng bức ảnh trường thi Nam Định cuối thế kỷ 19. Ông luôn quan tâm đến sự nghiệp học tập của thanh thiếu niên. Dương Trung Quốc nguyện hiến tặng hàng ngàn cuốn sách của mình để làm tủ sách - thư viện cho trường THPT Chu Văn An.
Tôi thích cảm giác chiếc kính viễn 3 độ trễ trên mũi ông được bỏ xuống bàn. Trong phòng khách được bao vây bởi hàng trăm con lợn các chất liệu, buổi tối êm đềm là khi vợ ông người con gái Hà Nội tinh tế nhất mực tin yêu chồng lại đu đưa trên võng xếp, còn ông ngả vào salon xem tivi, bàn chuyện con cháu.
Đầu tháng 11 này, Dương Trung Quốc phải mổ mắt trái, lấy ra 4 cái lẹo và cứ cách ngày thì phải đến bác sĩ chích thuốc dưỡng. Nhưng ông vẫn đều đặn họp Quốc hội kỳ họp thứ 4 khoá 13. Tiếng nói của ông trong nhiều cuộc họp luôn gây chú ý và hiệu quả.
Khoảnh khắc hiếm hoi ông có thể dành cho niềm đam mê của mình là khi "chàng trai Hà Nội" thổi kèn clarinet, nhạc cụ ông biết chơi từ khi trẻ tuổi và được mơ màng về nơi đã đến và sẽ đến, qua những kỉ niệm và các cuốn sách mà ông có thể đọc, nhất là tiếng Pháp. Một học giả có tâm hồn nghệ sĩ như Dương Trung Quốc luôn là "kho chuyện" hấp dẫn. Bất cứ ai có đời sống tinh thần cầu thị, mong muốn giàu có phần hồn, đều có thể tìm thấy ở ông vẻ đẹp của trí tuệ và sự khơi gợi khám phá của tinh thần sáng tạo.