Dân Việt

Dập dịch trước khi quá muộn

Diệu Linh 08/08/2014 15:17 GMT+7
Đó là hành động khẩn cấp của ngành y tế trước nguy cơ bùng phát 2 bệnh dịch nguy hiểm là tả và viêm não. Hiện nguồn lây bệnh đang được tầm soát, vaccine đã được cung cấp cho vùng có dịch.

Tăng cường vaccine phòng bệnh

Khoa Nhi (BV Bạch Mai) đang điều trị cho bệnh nhi Phàng Vạng Trông (5 tuổi, Phù Yên, Sơn La) bị viêm não Nhật Bản B. Anh Phàng A Dê – bố của bệnh nhân cho biết, con anh mới chỉ tiêm 1 mũi vaccine viêm não Nhật Bản B. Đáng nói, anh Dê là nhân viên y tế thôn bản đã 7 năm, thường xuyên đi vận động bà con đi tiêm chủng nhưng lại “bỏ sót” con mình. Đến khi con bị sốt cao, đau đầu, co giật anh mới đưa con đi viện. Do bệnh nặng nên bệnh viện tỉnh chuyển con anh về BV Bạch Mai. Tuy nhiên, bác sĩ điều trị cho biết, nguy cơ bé Trông bị di chứng thần kinh là rất lớn.

Ông Lẩu Sáy Chứ - Giám đốc Sở Y tế Sơn La cho biết, trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 7, Sơn La có hơn 100 ca viêm não do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có 13 ca tử vong. Trong số 31 ca dương tính với viêm não Nhật Bản thì chưa xác định được ca nào tử vong nhưng cũng chỉ có 3 trẻ được tiêm phòng viêm não Nhật Bản.

“Các ca tử vong hầu hết là do gia đình chủ quan, thấy con sốt 2-3 ngày thì chỉ nghĩ là sốt dịch, ở nhà tự điều trị giảm sốt vài ba ngày là sẽ khỏi, có bà con dân tộc chỉ đắp lá. Đến khi con bị co giật, hôn mê mới vội vã đưa đi viện thì đã muộn, bác sĩ cũng bó tay” – ông Chứ cho biết.

Bắt đầu từ ngày 7.8, hai huyện “tâm dịch” là Sông Mã và Quỳnh Nhai triển khai tiêm chủng vacine viêm não cho trẻ từ 1-15 tuổi như chỉ đạo của Bộ Y tế với khoảng 2.000 trẻ cần tiêm. Các huyện còn lại sẽ tiêm chủng cho trẻ từ 1-5 tuổi theo lịch. Hiện lượng vaccine trên toàn tỉnh vẫn tạm đủ và đang chờ đợt cung cấp vaccine tiếp theo của Bộ Y tế.

Theo ông Chứ, virus viêm não lưu hành ở Sơn La đã nhiều năm nay, mỗi năm rải rác vài chục ca nhưng vài năm lại bùng phát thành dịch, mà gần đây nhất là năm 2009 với 251 ca mắc. Chương trình tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 1-5 tuổi mới triển khai từ năm 2007 nên tỷ lệ tiêm phòng của trẻ chưa cao. Ngoài ra, do địa bàn xa xôi nên người dân cũng ngại trèo đèo vượt suốt đến các điểm tiêm chủng. Nếp sinh hoạt của người dân tộc gần với chuồng nuôi gia súc, ăn ở tạm bợ cũng tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi và đốt người – lây truyền virus viêm não Nhật Bản. Với đợt tiêm phòng quy mô lớn này, hầu hết trẻ trên địa bàn sẽ được “phủ” vaccine để giảm tới mức thấp nhất khả năng bùng phát dịch

Truy tìm nguồn gốc ốc có vi khuẩn tả

Lo ngại bệnh dịch tả lại bùng phát, ngày 7.8, PGS- TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pateur TP.HCM cho biết, hiện TP. HCM đang tìm xuất xứ lô ốc lấy từ chợ Cầu Xáng (huyện Bình Chánh) để xác định mức độ ô nhiễm tả có trong nguồn nước và tìm cách xử lý.

Mẫu ốc bươu này đã dương tính với V.cholera O1 tuýp huyết thanh Inaba. Tuýp này đã gây dịch tả tại Việt Nam năm 2007 trên 24 tỉnh, thành phố với hàng ngàn người mắc. Theo TS Lân, tại 2 ổ dịch tả tại TP.HCM khiến 14 người mắc trong đó có nhiều người tử vong, trong mẫu bệnh phẩm cũng đã tìm thấy E.coli. Điều tra dịch tễ cho thấy nhiều gia đình thả cá, thả lòng heo xuống nuôi cá gây ô nhiễm. Ngoài ra, nước sinh hoạt chủ yếu của các hộ cũng là nước mưa, nước ao, nhà tiêu lại xây trực tiếp trên ao cá… dẫn đến việc ô nhiễm nước, ô nhiễm thực phẩm. Ngay cả một số mẫu nước lấy từ các trạm cấp nước tại TP.HCM cũng tìm thấy coliform và E.coli- chứng tỏ nguồn nước đã bị nhiễm phân. “Chính quyền phải có thêm nhiều biện pháp để kiểm soát nguồn nước sinh hoạt mới hạn chế được bệnh tiêu chảy”- TS Lân nói.

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam mới có 62% gia đình sử dụng cầu tiêu hợp vệ sinh, 6 tỉnh có tỷ lệ nhà vệ sinh hợp vệ sinh dưới 40% (Lạng Sơn, Lai Châu, Điện Biên, Trà Vinh, Gia Lai, Vĩnh Long), 5% hộ gia đình còn chưa có nhà tiêu, 12% hộ sử dụng nhà tiêu ao cá (tập trung ở phía Nam, đồng bằng song Cửu Long). Kết quả giám sát mẫu nước 6 tháng đầu năm 2014 cho thấy, 6% mẫu nước không đạt quy chuẩn về vệ sinh, nhiều nơi không có nước sạch…Vì thế, nguy cơ bùng phát dịch tả ở Việt Nam là rất lớn.

Số ca bệnh giảm nhưng diễn biến phức tạp

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định,  số  ca viêm não giảm so với cùng kỳ nhưng diễn biến phức tạp. Ở Sơn La, số ca mắc nhiều là do thời gian qua tỷ lệ trẻ tiêm ngừa viêm não Nhật Bản mũi 3 rất thấp, chỉ đạt 42%, trong khi đó trẻ cần phải tiêm đủ 3 mũi thì mới đảm bảo hiệu quả trong phòng bệnh. Ngoài Sơn La còn có Hà Nội, Thái Bình có số mắc viêm não cao từ 35-50 ca. Hiện Hà Nội cũng đã triển khai tiêm phòng vaccine Nhật Bản cho trẻ dưới 15 tuổi tại 21 phường có ca bệnh.

TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: “Căn nguyên gây viêm não thường là các Arbovirus (trong đó có virus viêm não Nhật Bản), virus herpes, các virus đường ruột (như EV71 gây bệnh tay chân miệng), sởi, quai bị... Do các triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa các chủng virus do đó việc chẩn đoán nguyên nhân phải thông qua việc xét nghiệm xác định virus”.

Ông Phu cho biết, viêm não Nhật Bản lây truyền qua  muỗi, ve đốt, do đó người dân cần sống xa khu chăn nuôi, ngủ có màn để tránh bị côn trùng, muỗi đốt, nằm ngủ có màn, tiêm phòng cho trẻ đủ 3 mũi vaccine. Còn đối với các loại viêm não khác lây truyền qua đường hô hấp, người dân cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh, sử dụng biện pháp phòng hộ khi chăm sóc bệnh nhân... Đối với bệnh sởi, quai bị đều có vaccine phòng bệnh nên cần tiêm phòng cho trẻ. 

Tuấn Kiệt