Hàng năm, trung tâm giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động là thanh niên nông thôn…
Trao đổi với PV NTNN, ông Hồ Quang Lĩnh - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Thanh niên tỉnh Quảng Nam cho biết, công tác dạy nghề cho thanh niên nông thôn được UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo thực hiện theo hướng giao về cho các huyện, thành phố. Trung tâm đã kết nối, phối hợp tốt với các phòng LĐTBXH, NNPTNT tại các huyện, thành phố và các doanh nghiệp, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trung tâm có phương châm: Đem nghề đến với từng hộ gia đình trẻ; đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu lao động từng địa phương. Mô hình dạy nghề lưu động tiếp tục được trung tâm triển khai và thu hút đông đảo lao động trẻ tham gia.
Trung tâm chú trọng đào tạo các nghề phi nông nghiệp, như: May công nghiệp, đan mây tre... Trước khi đào tạo nghề, trung tâm liên kết và ký hợp đồng tuyển lao động với các doanh nghiệp, xí nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng. Tất cả các học viên học tại trung tâm sẽ có việc làm ngay sau khi được đào tạo hoàn thành khóa học. Trong năm 2013, trung tâm đã đào tạo được 54 lớp với 1.705 học viên, trong đó trình độ sơ cấp nghề có 654 học viên và học nghề từ 3 tháng trở lên là 1.051 học viên. Năm 2013, trung tâm còn trực tiếp tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 180 hộ gia đình trẻ tại huyện miền núi Bắc Trà My và huyện Đại Lộc.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề thanh niên nông thôn, ngay từ đầu năm 2014, trung tâm đặt công tác tạo việc làm cho các học viên lên hàng đầu. Để làm được việc này, trước tiên trung tâm phải củng cố đội ngũ, tăng cường cán bộ tư vấn có chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm, kịp thời nắm bắt những biến động, yêu cầu thị trường lao động, liên kết với các phòng, ban và các doanh nghiệp, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động nông thôn.
Năm 2014, trung tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tư vấn việc làm cho 2.500 lao động, tư vấn nghề cho 1.200 lượt lao động trẻ. Trung tâm chú trọng mở rộng địa bàn tuyển sinh học nghề, đa dạng thêm các ngành nghề đào tạo.
“Chúng tôi phát huy mô hình đào tạo nghề lưu động cho lao động nông thôn, đi đôi với việc thành lập các mô hình phát triển thanh niên, đáp ứng nhu cầu tự tạo việc làm tại chỗ cho thanh niên. Ngoài ra, chúng tôi chú trọng hỗ trợ dạy nghề và xây dựng mô hình phát triển kinh tế thanh niên tại xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên) và Điện Phước (huyện Điện Bàn) - hai đơn vị được UBND tỉnh Quảng Nam giao cho Tỉnh đoàn theo dõi việc xây dựng phong trào nông thôn mới” - ông Lĩnh nói.