Dân Việt

Lịch sử virus Ebola hay câu chuyện kinh hoàng về "Vùng đất chết"

Tuấn Kiệt (lược dịch) 11/08/2014 12:09 GMT+7
Giáo sư Peter Piot (Viện Y học Nhiệt đới ở Antwerp, Bỉ)  là người đầu tiên đã tìm ra virus Ebola vào năm 1976, khi một lọ máu lấy từ một nữ tu chết bí ẩn ở Zaire, nay là Cộng hòa Dân chủ Congo, được gửi đến. Bấy giờ ông Piot mới 27 tuổi. "Chúng tôi thấy một con sâu khổng lồ - so với cấu trúc bình thường của một con virus” – ông này nói.

"Bất cứ ai đi qua đây đều có thể chết"

Đầu tiên, Giáo sư Piot đã cho rằng đó là virus Marburg. Virus Marburg lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1967 khi 31 người bị bệnh sốt xuất huyết ở các thành phố Marburg và Frankfurt ở Đức và ở Belgrade (Thủ đô Nam Tư). Dịch Marburg đã khiến 7 nhân viên ở phòng thí nghiệm tử vong sau khi làm việc với các con khỉ bị nhiễm bệnh nhập khẩu từ Uganda.

Tuy nhiên, sau khi xem xét, tìm hiểu và tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, ông Piot xác định đó không phải là virus Marburg mà là một “cái gì đó” còn kinh khủng hơn nhiều và trước đó chưa từng được tìm thấy.

img
Piot (thứ 2 bên trái sang) cùng các đồng nghiệp tại Yambuku năm 1976

 

Theo lời người bạn đã chuyển mẫu máu đến cho ông Piot, vị nữ tu mà họ chăm sóc đã chết với các triệu chứng sốt, ho, nôn, tiêu chảy và xuất huyết cả trong lẫn ngoài. Nhiều người khác tại khu vực này cũng đã bị mắc cùng triệu chứng và tử vong.

Hai tuần sau khi bình máu được chuyển đến, ông Piot đã bay đến Châu Phi để điều tra về loại virus chưa từng có này. Sau nhiều lần chuyển qua các chuyến bay, ông đã đến một ngôi làng gần khu rừng xích đạo nhiệt đới, nằm rất xa trung tâm đất nước Zaire. Ông và đồng nghiệp đã được Tổng thống Mobubu đích thân bố trí một chuyến bay vận tải để đi đến đó.  Máy bay hạ cánh tại Bumba- một cảng song nằm trên điểm cực bắc của song Công gô. Lúc bấy giờ ông Piot và đồng nghiệp mới thật sự cảm nhận được nỗi lo sợ bao trùm lên toàn bộ con người và không khí nơi đây. Thậm chí, các phi công không tắt động cơ máy bay khi đoàn bác sĩ nghiên cứu xuống máy bay như để sẵn sàng chạy cho nhanh. Còn khi Piot nói với họ “Hẹn gặp lại” thì người phi công lại hét lên đại ý: “Chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại”.

Điểm đến cuối cùng của đoàn nghiên cứu là ngôi làng Yambuku - khoảng 120 km (75 dặm) từ Bumba, nơi chiếc máy bay đã để lại cho họ. Tại Yambuku có một bệnh viện và trường học được quản lý bởi linh mục và nữ tu đều là người Bỉ. Đó là lý do mà lọ máu của nữ tu bị bệnh lại được chuyển đến Viện Y học nhiệt đới của Bỉ.  

“Ấn tượng đầu tiên của tôi về khu vực này là nó rất đẹp, bao phủ bởi màu đất đỏ tươi và rừng nhiệt đới tươi tốt. Nhưng người dân thì rất nghèo"_ ông Piot cho biết. Tuy nhiên, vẻ đẹp của Yambuku đối nghịch lại với sự kinh hoàng mà những người ở đó đang phải đối mặt.

Khi Piot đến đó, ông gặp một nhóm nữ tu và một linh mục – những người đã rút về một nhà khách và lập một hàng rào cách ly cho riêng mình. Một tấm bảng ghi vài chữ nhằng nhịt, theo ngôn ngữ địa phương có nghĩa là: “Hãy dừng lại, bất cứ ai đi qua đây đều có thể chết”. Các nữ tu đã mất tới 4 chị em vì căn bệnh quái lạ này. Giờ đây, họ chỉ biết cầu nguyện và chờ đợi cái chết.

Bất chấp sự can ngăn của họ, Piót đã nhảy qua hàng rào và nói rằng, nhóm của ông sẽ giúp họ ngăn chặn dịch bệnh. “Khi bạn mới 27 tuổi thì bạn có được tất cả sự tự tin này” – ông chia sẻ.

Ưu tiên đầu tiên với hy vọng ngăn chặn dịch bệnh là tìm hiểu cách thức virus lây truyền. Piot và đồng nghiệp đã phải đặt từng câu hỏi tỷ mỉ, điều tra như trong chuyện trinh thám để tìm hiểu. Các câu hỏi mà ông đặt ra thường là: Dịch tiến triển như thế nào? Nhiễm từ đâu? Ai bị nhiễm? Lúc đầu, Piot nhận ra tỷ lệ phụ nữ bị bệnh nhiều hơn nam giới, đặc biệt là phụ nữ từ 18-30 tuổi, nhiều phụ nữ này đang mang thai và đã cùng đến khám tại một phòng khám. Sự bí ẩn của virus bắt đầu sáng tỏ.

Hóa ra, nhóm phụ nữ mang thai đã đi khám thai tại phòng khám và được tiêm phòng các bệnh thông thường. Tuy nhiên, chỉ 5 kim tiêm được phát cho mỗi buổi khám, sau đó kim được tái sử dụng qua nhiều người – lý do làm lây truyền bệnh. Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy nhiều người bị nhiễm bệnh sau khi tham dự đám tang của những người chết do bệnh này. Như vậy, virus đã lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, qua máu, qua việc tắm rửa cho người chết mà không được bảo vệ. 

Piot và các đồng nghiệp đã đi từ làng này qua làng khác để tìm người bị bệnh và đưa vào cach ly. Ông cũng kiểm tra tất cả những người tiếp xúc trực tiếp vứoi người bị nhiễm bệnh và đảm bảo mọi người biết cách chôn những người chết vì virus một cách an toàn”.

Cuối cùng, việc đóng cửa bệnh viện, sử dụng kiểm dịch và truyền thông cho cộng đồng biết cách phòng ngừa bệnh đã đẩy lui bệnh dịch. Nhưng vào thời điểm đó đã có tới gần 300 người chết trong số hơn 600 người mắc. Có những ổ dịch, tỷ lệ tử vong lên đến 90%.

Sau khi bàn bạc, cuối cùng Piot và các đồng nghiệp đã chọn cho virus cái tên  Ebola – một con sông có trên bản đồ của đất nước Zaire.

img
Piot về thăm Yambuku năm 2014

Tìm ra virus, tìm ra bản thân

38 năm sau khi dịch Ebola bùng phát lần đầu tiên, trên thế giới hiện nay đang trải qua dịch Ebola tồi tệ nhất. Chỉ từ tháng 2 đến nay, dịch Ebola đã khiến gần hơn 1711 người mắc, trong đó 932 người tử vong tại 4 nước Tây Phi (Guinea, Liberia và Sierra Leone và Nigerria). Tổ chức Y tế thế giới WHO đang có các cuộc họp khẩn để cân nhắc việc ban bố tình trạng y tế công cộng khẩn cấp cần sự quan tâm của quốc tế. Tuy nhiên, sau gần 40 năm, việc chữa trị cho các bệnh nhân mắc Ebola cũng chưa có sự khác biệt nhiều, chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc đặc trị bệnh, các tư vấn về bệnh cho cộng đồng cũng tương tự.

Tháng 2.2014, Piot cũng đã trở lại Yambuku - đánh dấu sinh nhật lần thứ 65 của mình. "Xà phòng, găng tay, cô lập bệnh nhân, không tái sử dụng kim tiêm, không tiếp xúc với người chết, các con vật bị bệnh… vẫn là cách tốt nhất để tránh mắc bệnh” – ông Piot chia sẻ.  Tuy nhiên, Piot cũng cho biết, trên thực tế còn nhiều yếu tố khác khiến cho việc ngăn chặn ổ dịch Ebola rất khó khăn. Nhiều người bệnh và gia đình của họ có thể bị cộng đồng kỳ thị nên giấu bệnh, không tìm kiếm sự giúp đỡ của y tế khi có các triệu chứng. Văn hóa tín ngưỡng cũng khiến nhiều người cho rằng bệnh Ebola là do phù thủy làm ra, số khác lại thù địch với nhân viên y tế vì cho rằng họ chính là người “đem bệnh” tới.

"Chúng ta không nên quên rằng đây là một bệnh của nghèo đói, của hệ thống y tế yếu ớt và mất lòng tin. Do đó, thông tin, truyền thông và sự tham gia của các nhà lãnh đạo cộng đồng cũng quan trọng như các phương pháp tiếp cận y tế cổ điển” - ông lập luận.

Ebola thay đổi cuộc đời của Piot - sau khi phát hiện ra các vi rút, ông đã đi vào nghiên cứu các dịch AIDS ở châu Phi và trở thành giám đốc điều hành sáng lập của tổ chức UNAIDS – Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS . "Nó dẫn lối chỉ đường cho tôi làm những điều mà tôi nghĩ chỉ có trong sách vở. Nó đã cho tôi một sứ mệnh trong cuộc sống: làm việc về y tế tại các nước đang phát triển", ông nói.
"Nó không chỉ là phát hiện ra một loại virus mà còn của bản thân mình" – Giáo sư Piot nhận định.

Virus Ebbola được tìm thấy lần đầu tiên tại Zaire (Cộng hòa Công gô hiện nay) đã khiến hơn 600 người mắc và hơn 300 người tử vong. Vật chủ truyền bệnh chính là dơi ăn quả, sau đó là các động vật vùng rừng nhiệt đới như tinh tinh, khỉ đột, chuột, linh dương, nhím… Virus đã đã giết chết khoảng 2/3 số người nhiễm trong 4 thập kỷ qua,với 2 vụ dịch ghi nhận tỷ lệ tử vong tới 90%. Vụ dịch mới đây nhất có tỷ lệ tử vong khoảng 55%