Người phụ nữ tội nghiệp tên là Lê Thị Tâm (SN 1985) ở xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội, có chồng là Nguyễn Bá Quỳnh (SN 1983) phạm tội Giết người và Cướp tài sản.
Vụ án xảy ra từ cuối năm 2011, đến tháng 9.2012, TAND TP. Hà Nội đã xét xử sơ thẩm và tuyên án tử hình với Nguyễn Bá Quỳnh vì 2 tội Giết người và Cướp tài sản. Đến tháng 1.2013, TAND Tối cao xử phúc thẩm đã tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra xét xử lại với các lý do: Làm rõ trình độ học vấn của bị can; làm rõ quá trình hỏi cung bị can này có luật sư tham gia theo quy định của pháp luật không; làm rõ dấu hiệu tâm thần của bị can Quỳnh.
Bị ruồng bỏ vẫn thương chồng
Kết luận của cơ quan chức năng ghi rõ: "Trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội Nguyễn Bá Quỳnh có mắc bệnh tâm thần, bệnh rối loạn cảm xúc thực tổn" khiến bà Nguyễn Thị Lượng (mẹ Quỳnh) có hy vọng con mình sẽ được sống nhờ sự khoan hồng của pháp luật. Bà kể: Nhiều khi Quỳnh có những biểu hiện không giống một người bình thường chút nào. Trong những lần "nổi điên" Quỳnh đã từng phá cả bàn thờ gia đình, chất rơm vào xe máy để đốt, đập phá đồ đạc trong nhà... Những lần như thế bố mẹ, người thân lại bị một phen khổ sở.
Phiên tòa sơ thẩm xử Nguyễn Bá Quỳnh được TAND TP. Hà Nội mở lại vào ngày 30.7. Bà Lượng và chị Tâm ngồi nép mình phía sau lưng bị cáo Quỳnh hồi hộp dõi theo diễn biến phiên xử. Là người từng đem bọc quần áo ra cho chồng lúc nửa đêm tại nghĩa trang sau khi Quỳnh gây án, chị Tâm bị tòa hỏi kỹ xung quanh tình tiết này. Tòa hỏi: Vợ chồng chị thời điểm đó đang ly thân?
- "Không ly thân nhưng anh Quỳnh đã bỏ nhà theo nhân tình cách đó 3 tháng, chẳng thấy về thăm bố mẹ, vợ con, cũng chẳng thấy điện thoại gì" - chị Tâm trả lời.
- Vợ chồng đang như vậy sao nghe điện thoại của Quỳnh nhờ đem quần áo ra khu vực nghĩa trang của xã vào nửa đêm chị lại làm ngay, chị nghĩ có gì bất thường không?
"Tôi cũng giận chồng, nhưng nghĩ kiểu này chắc là hết tiền bị gái nó đuổi cổ ra đường, nghĩ thương nên tôi mới lấy quần áo đem ra cho anh ấy. Lúc ra đến nơi thấy anh ngồi trên chiếc xe máy, trời tối quá tôi cũng không rõ quần áo chồng mình có dính máu không. Tôi hỏi anh chuyện gì mà lại ra đây lúc nửa đêm thế này. Anh trả lời rằng em không cần biết. Nghe thế cơn giận trong tôi trào lên, tôi chẳng buồn hỏi, chẳng buồn nghe chồng nói gì nữa mà phóng xe máy một mạch về nhà. Chỉ biết chồng phạm tội ác khi công an gọi lên làm việc"- chị Tâm nói.
Nỗi đau của ba người phụ nữ
Kể về nỗi bất hạnh của con dâu, bà Lượng cho biết thêm: Năm 2005, Quỳnh lấy chị Tâm. Năm sau chị Tâm sinh được bé trai đặt tên Nguyễn Bá Đức. "Gia đình hạnh phúc, vợ xinh xắn, hiền ngoan nhưng chẳng hiểu quỷ thần sai khiến thế nào nó lại đi cặp với con bé tên Ngọc Anh (huyện Thường Tín, Hà Nội). Chúng tôi đã khuyên bảo nhưng Quỳnh không nghe. Bỏ nhà đi với nhân tình, lúc gọi điện về chỉ giục vợ ký đơn ly hôn. Chúng tôi kiên quyết phản đối chuyện bỏ vợ của nó. Cái Tâm chẳng có tội tình gì cả. Em nó rất yêu chồng, quý con, đối xử rất tử tế với bố mẹ chồng" - bà Lượng kể.
Rồi bà Lượng đưa ra nhận định nguyên nhân khiến Quỳnh phạm tội giết bảo vệ rồi phá cửa Ngân hàng Agribank Chi nhánh Bình Đà, huyện Thanh Oai (đêm 11.11.2011) để lấy tài sản. "Cái chính là từ chuyện đi cặp bồ, con bồ nó cho thằng Quỳnh ăn bùa mê thuốc lú đến nỗi muốn bỏ vợ, bỏ con. Thằng Quỳnh cung phụng nó, hai đứa nay nhà nghỉ mai khách sạn, làm gì chả thiếu tiền" - bà Lượng đau đớn. Lúc bị cơ quan điều tra bắt sau 4 ngày gây án, Quỳnh cũng đang ở cùng Ngọc Anh tại một nhà nghỉ tại huyện Phú Xuyên.
Gạt nước mắt sau khi kể chuyện buồn của con dâu, bà Lượng lại kể về nỗi đau của mình: "Chồng tôi ông Nguyễn Bá Phúc mới mất năm ngoái, công tác ở xã Mỹ Hưng dù 3 năm nữa mới tới tuổi nghỉ hưu nhưng kể từ ngày con trai phạm tội ác, ông ấy lo lắng, suy nghĩ nhiều nên bệnh tật ập tới nên không qua khỏi".
Vừa qua nỗi đau mất chồng, bà Lượng không muốn thêm nỗi đau nữa, tại Tòa bà đã gửi lời xin lỗi và mong được gia đình nạn nhân rộng lượng cho tội của con trai mình. Dù đã 4 năm trôi qua nhưng dường như nỗi đau trước cái chết oan nghiệt của chồng là ông Nguyễn Tiến Văn (nạn nhân trong vụ án) vẫn chưa nguôi với bà Nguyễn Thị Liên nên dù lời thỉnh cầu của bà Lượng có xót thương nhưng bà Liên vẫn lạnh lùng đề nghị Tòa "Xét xử đúng người đúng tội, kẻ gây tội ác phải đền mạng".
Rồi bà Liên nói thêm: Chồng bà là trụ cột trong gia đình, kể từ ngày ông qua đời để lại gánh nặng quá lớn. Hai người con dù đã trên 18 tuổi nhưng vẫn chưa có công ăn việc làm, bản thân bà thì đau ốm liên miên. "Chồng tôi là người hiền lành, chăm chỉ làm ăn thế mà phải chết một cách oan nghiệt. Nỗi đau đó dù làm thế nào cũng không thể bù đắp được chỉ mong tòa xử nghiêm". Nghe bà Liên nói vậy bà Lượng và chị Tâm chỉ biết cúi đầu lặng im chờ phán quyết của Tòa.
Mấu chốt của vụ án là bản kết luận giám định tâm thần của Nguyễn Bá Quỳnh. Dù kết luận cho rằng Quỳnh có mắc bệnh tâm thần, bệnh rối loạn cảm xúc thực tổn nhưng bản kết luận cũng nói: "Trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội, Nguyễn Bá Quỳnh đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi".
Về hành vi phạm tội của bị cáo Quỳnh là rõ ràng, không có gì phải tranh cãi nên sau khi nghị án Hội đồng xét xử đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Bá Quỳnh tử hình về tội giết người, 10 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt chung là tử hình. Nghe tòa tuyên án xong bà Lượng chạy vội xuống sân tòa để được trông thấy Quỳnh trong giây phút ngắn ngủi. Còn chị Tâm dừng lại ở cầu thang với hy vọng khi Quỳnh bị dẫn giải qua đây thời gian vợ chồng trông thấy nhau sẽ dài hơn, nhưng mong mỏi của chị đã không diễn ra vì Quỳnh đã được dẫn theo một lối khác ra xe.