Trong màn đêm tưởng có thể xắn ra từng miếng, trong tiếng gió chẻ qua phên nhà hun hút, hàng chục con người già trẻ, lớn bé vẫn ngồi lặng phắc. Tôi như lạc vào một không gian siêu thực với bếp lửa lắt lay từng quầng sáng mờ ảo, với lời kể của nghệ nhân lúc ngân nga, lúc trầm hùng, lúc vời vợi như từ một cõi xa xăm nào đó vọng về… Lõm bõm được ít tiếng Jrai, tôi đồ rằng nghệ nhân đang kể về một chàng dũng sĩ tên là Đăm Dăk.
“Khan” ( tiếng Ê Đê ) Hơ ri (J’rai) Hơ Amon (Ba Na) là một câu chuyện dài kể về các anh hùng thuở khai sáng, những vị cứu tinh loài người hay dân tộc thoát khỏi những hiểm họa diệt vong; được các nghệ nhân thể hiện dưới dạng hát – kể. Có thể nói “khan” là một loại hình nghệ thuật tổng hợp do một người độc diễn. Với quy cách trình diễn độc đáo ấy, nghệ nhân khan phải là một tài năng đa dạng. Trên hết, nghệ nhân phải là người thông minh, có trí nhớ cực kỳ tốt (có những khan kể đến 3–4 đêm, thậm chí cả chục đêm mới hết). Thứ đến phải là người có khả năng phân tích diễn biến câu chuyện, hóa thân vào tâm lý, tính cách nhân vật để diễn đạt sắc thái ngôn ngữ cho phù hợp. Nghệ nhân phải thuộc các làn điệu dân ca, có giọng hát hay, biết vận dụng và thể hiện đúng chỗ… Với những tiêu chí như thế, nghệ nhân biết kể khan thường rất hiếm.
Theo thời gian, đến Tây Nguyên bây giờ khách sẽ rất khó tìm dự một đêm khan. Với lớp trẻ, cùng với sự thâm nhập ngày càng sâu rộng của phim ảnh đã có những hình thức sinh hoạt tinh thần lôi cuốn hơn. Điều này cắt nghĩa vì sao khan cứ mỗi ngày một “chết mòn”. Có lẽ một ngày không xa nữa, “khan” chỉ còn nằm trên văn bản của các nhà sưu tầm văn hóa…