Dân Việt

Trở về từ “cõi chết”, các lao động tại Libya kể gì?

Linh Đan 09/08/2014 19:06 GMT+7
Trưa nay (9.8), tại sân bay Tân Sơn Nhất, niềm vui như vỡ oà trên từng khuôn mặt khi chứng kiến 25 lao động bước ra từ cửa sân bay. Những cái nắm chặt tay, những cái ôm chặt với người thân, bạn bè trong tiếng cười và niềm xúc động...

Anh P.V.K (quê Lào Cai) kể rằng, có lúc đi làm anh nghe bên tai tiếng súng nổ đùng đùng mà không khỏi lo lắng, cảm giác sợ xâm chiếm tâm can, anh lo cho sự an toàn của bản thân, nhưng vì công việc cũng phải làm. Anh K được Công ty Vinaconex đưa sang Libya làm việc với hợp đồng 2 năm, mức lương 300USD/tháng. Qua Libya được 13 tháng với công việc là thợ mộc, anh K. đi làm mà lúc nào tâm trạng cũng căng thẳng vì nghe bên ngoài tiếng súng nổ liên tục. Giờ về Việt Nam anh mừng quá, được gặp vợ con chứ bên đó bất an quá, ngày nào cũng phải đi làm, nghỉ thì chủ trừ lương. 

"Sống trong tâm trạng lo sợ như thế khoảng 25 ngày thì nhận được lệnh trở về nước, tôi mừng lắm. Giờ về quê làm ruộng, trồng rau gì cũng được, miễn được gần gia đình là yên tâm" - anh K xúc động nói.

img 

Các lao động về từ Libya tại sân bay.

Cũng từ Cty Vinaconex đưa sang Libya làm việc, anh Vũ Văn Lộc (quê Nam Định), cho biết, khổ nhất là khi đoàn lao động đến cửa biên giới giữa Libya và Ai Cập. "Chúng tôi không có nước uống và cả cơm ăn suốt mấy ngày liền. Chúng tôi phải đi xin cơm của các đoàn sơ tán để sống qua ngày. Tâm trạng ai cũng lo sợ" - anh Lộc kể.

 

Một lao động khác từ Hà Nội cho hay những ngày ở biên giới Libya rất khủng khiếp. Anh và mọi người bị người Libya chĩa súng vào người, nếu không cẩn thận là mất hết tiền bạc. Có người trong đoàn bị mất hơn 1.000USD. Làm cực khổ cả năm trời mới dành dụm được mà mất tiền như thế thật đau xót. Lao động H.K cho biết, khi đoàn di tản sang bên kia Ai Cập thì tình hình mới được yên ổn.

Nhiều lao động từ Libya trở về cho hay, đoàn của họ ban đầu có 28 người nhưng không hiểu sao chỉ còn lại 25 người trở về đến sân bay Tân Sơn Nhất, giữa đường không biết bị mất tích hay đang mắc kẹt ở đâu trong thời điểm chờ chuyển qua Cairo.

Trong 3 người bị mất tích, có 2 người thợ nước (do Cty Vinaconex đưa đi), 1 người thợ xây (do SIMCO Sông Đà đưa đi).

Các lao động lý giải có thể do các lao động mất tích khi ra ngoài làm thêm rồi không liên lạc được. Do chủ sử dụng lao động không cấm người lao động ra ngoài làm thêm nên khi hết giờ làm, có thể tối hôm trước ngày được lệnh trở về, 3 lao động đó đi làm thêm rồi không thấy về. "Lạy trời phù hộ cho họ được bình an. Về đến đây, tôi thấy như được trở về từ cõi chết" - một lao động nói như khóc.

Để được sang Libya làm việc, lao động Việt Nam phải chịu chi phí ban đầu hơn 30 triệu đồng nhưng qua bên đó chỉ được hưởng mức lương từ 300 đến 500USD/tháng, trừ chi phí hàng tháng, còn lại họ cố dành dụm để gửi về cho gia đình nhưng cũng không nhiều.  

"Tháng này phải vội vã trở về nên chưa kịp lãnh lương, coi như một năm trời đi làm không đủ bù chi phí đi" - anh K buồn bã nói.

Các lao động trở về đã bức xúc vì không biết được thông tin chính xác ngày trở về khiến họ phải vội vã, thiệt thòi khi mất một tháng lương. Đại diện Cty Vinaconex lý giải là do tình hình chiến sự phức tạp ở Libya nên thông tin bị gián đoạn đồng thời hứa sẽ giúp người lao động liên lạc phía đối tác ở Libya để có hướng giải quyết tháng lương còn nợ của người lao động.

Các lao động trở về sân bay Tân Sơn Nhất trong tâm trạng "đầy nước mắt". Hy vọng đại diện Cty Vinaconex giữ đúng lời hứa trước những con người chỉ biết lấy sức mình ra để kiếm cơm.