Dân Việt

Mùa Vu lan và những hy sinh thầm lặng

Bùi Hương 10/08/2014 20:53 GMT+7
Lễ Vu lan, nhiều người con có bông hồng cài áo, thương nhớ đấng sinh thành, nhưng có nhiều người con không còn nhận thức để làm việc đó. Sự sống của họ vừa là niềm hy vọng, vừa là nỗi đau trải dài cuộc đời của cha mẹ…

Không bao giờ được nghe tiếng gọi “mẹ ơi”...

Hạnh phúc được làm cha làm mẹ nhưng hạnh phúc ấy không bao giờ trọn vẹn với vợ chồng ông Vũ Xuân Hằng và bà Bùi Thị Nhũn ở thôn Bắc Phong (xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng). 4 đứa con mới ra đời cũng bụ bẫm, kháu khỉnh như bao đứa trẻ khác nhưng lạ là theo thời gian, người chúng cứ tong teo dần và trở nên ngây ngố.
 

img
Bà Phạm Thị Túy và 2 người con là nạn nhân chất độc da cam
.

Có những đêm, khi làng xóm đã yên giấc, nhưng nhà ông Hằng, đèn vẫn sáng, ông bà thức trắng với những cơn vật vã trở bệnh của đàn con. Những lúc ấy bà Nhũn chết lặng người, nước mắt cứ trào ra và chỉ biết ôm các con mà khóc. Nhìn các con nằm ý ó trên giường, bà Nhũn  trầm lặng kể: Chồng bà nhập ngũ năm 1967 vào chiến trường Đông Nam Bộ. Khi trở về quê hương năm 1976, ông mang trong mình vết thương tật 81% của bom đạn chiến tranh. 1 năm sau ông bà nên duyên vợ chồng. Sướng khổ cùng nhau, 4 đứa con trai ra đời: Vũ Văn Xô rồi tiếp đến Vũ Văn Vinh (1980), Vũ Văn Hiến (1985), Vũ Văn Đoàn (1991). Nhưng đẻ đứa nào ra thì đứa ấy dị dạng và ốm đau. Mỗi lần sinh con, ông bà lại đặt bao niềm hy vọng nhưng càng mong chờ, họ càng thấy thất vọng. Vu lan này, bà Nhũn vẫn cúng ngày xá tội vong nhân chứ không nhớ gì tới “lễ báo hiếu” bởi 3 đứa con (1 cháu đã mất) vẫn ngồi ngây ngốc trong nhà. Ước mong của ông bà rất giản dị là con không phát bệnh.

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi lại tiếp tục về thôn La (xã Lưu Kiếm, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) đến thăm gia đình bà Phạm Thị Túy, một trong những gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.  Rồi bà lấy chồng là một thương binh, lần lượt 3 người con chào đời, 2 trai, 1 gái. Ngỡ tưởng số phận đã mỉm cười với gia đình mình nhưng niềm vui mới chớm nở đã dần bị dập tắt, người con trai lớn khi được 10 tháng tuổi sau một trận ốm đã thành một người sống không biết gì, rồi người con trai thứ hai ngay từ khi sinh ra đã không giống những đứa trẻ bình thường khác, cô con gái thứ 3 cũng vậy. Lúc này ông bà mới biết các con bị ảnh hưởng chất độc da cam từ ông. Cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi ông ra đi để bỏ lại gánh nặng trên đôi vai của bà. Cuộc sống của mấy mẹ con giờ chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp nạn nhân chất độc da cam.

 Những ngày rằm, như rằm tháng 7 này, bà vẫn hương khói mong mỏi phép lạ đến với con “chứ chẳng mong gì con báo hiếu. Nó sống khỏe mạnh là tôi mừng rồi” - bà Túy nói. “Tôi chỉ ngại nhất là tôi già tôi qua đời, tôi chỉ mong các cháu qua đời trước tôi để tôi lo lắng cho các cháu” - nói đến đây bà nghẹn lời không kìm được những giọt nước mắt cứ chảy dài trên gò má xám nheo...

Vu lan của người mong làm mẹ

Không con, nhưng hoàn cảnh của vợ chồng bà Đặng Thị Loan ở phường Văn Đẩu, quận Kiến An cũng chẳng khác là mấy nỗi đau của bà Túy, bà Nhụn. Là thương binh hạng 1/4 và cũng là nạn nhân chất độc da cam, ông Lê Minh San, chồng bà Loan đã vĩnh viễn mất đi khả năng làm bố.

 Năm 1967, tạm biệt người vợ mới cưới vẹn vẹn được 6 ngày, ông  San vào miền năm chiến đấu. Ngày trở về, ông mang trên mình đầy vết tích chiến tranh, đôi chân không còn khả năng đi lại và đau đớn hơn quyền được làm bố đã không còn. Và cũng vì nguyên nhân đó mà quyền làm mẹ của bà Loan cũng bị mất vĩnh vĩnh theo ông. Nhưng không vì thế mà bà bỏ ông, bà Loan càng thương chồng hơn và vẫn thủy chung, âm thầm bên ông đi tiếp những chặng đường chông gai phía trước.

 Nhiều lúc ngồi tâm sự, ông San vẫn thầm cảm ơn bà: “Tôi nghĩ thương tật của mình quá nặng, tương lai hạnh phúc của mình không chắc đã còn được. Nhà tôi còn quá trẻ, lúc ấy mới hơn 20 tuổi, tôi động viên thôi bây giờ nhà tôi về quê ngoại xem có ai thương yêu, giúp đỡ thì đến với họ, còn tôi sống chết như thế nào đã có Nhà nước lo rồi. Lúc ấy, vợ tôi chỉ nhìn tôi khóc mà nghẹn lòng nói anh vì dân vì nước nên mới bị thương như thế, em không đi đâu cả... Con không có thì thôi, mình nuôi con nuôi. Nhưng người ngoài người ta nói nhiều lắm làm tôi cũng sốt ruột, họ nói vợ tôi còn trẻ sống với chồng què quặt chỉ thêm khổ, lại thêm nhiều lúc tôi đau đớn lấy cớ cáu gắt, đuổi vợ đi cho vợ tôi đỡ khổ nhưng vợ tôi vẫn quyết tâm ở lại chăm sóc tôi. Nhiều lúc mình bị bệnh ốm mà nhìn vợ lau mặt, rửa tay, cho mình ăn..., tôi nghẹn lòng vừa thương vừa cảm phục sự hy sinh của bà ấy”.

Nhưng lễ Vu lan này, ông bà không còn buồn bã nữa. Sau này, ông bà đã nhận người con nuôi để bù đắp phần nào những thiếu hụt của cuộc đời. Người con ấy hiếu thuận với cha mẹ, là nguồn an ủi ông bà lúc xế bóng.

Chiến tranh không còn nhưng những gì mà những người phụ nữ như bà Túy, bà Nhũn, bà Loan... đã và đang chịu đựng quả là những hy sinh thầm lặng. Người ta tự hỏi không biết trên đất nước hình chữ S này còn bao nhiêu sự hy sinh thầm lặng như thế nữa... Những mùa Vu lan đi qua đời họ là những ngày mong mỏi, không phải chờ được báo hiếu - mà chỉ đơn giản là những người con không trở bệnh, sống khỏe trong kiếp đời khốn khổ.

Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam, tới thời điểm này,  Việt Nam đã giải quyết chính sách khoảng 300.000 người tham gia hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Có khoảng 30% số nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin được mua thẻ bảo hiểm y tế. Khoảng 20-25% trẻ em bị nhiễm chất độc da cam/dioxin được đưa vào thực hiện chương trình chăm sóc phục hồi chức năng.