Dân hưởng lợi trực tiếp
Ngày 10.8, người dân các bản Piêng Lán, Tà Số 1, Tà Số 2… của xã Chiềng Hắc đã ra quân trồng nốt 1.000 cây hoa ban dọc Quốc lộ 6, kết thúc vụ trồng rừng năm 2014. Chủ tịch UBND xã - ông Phạm Văn Hợi phấn khởi cho biết: “Năm nay, huyện Mộc Châu đã trồng mới hàng trăm ha rừng. Chỉ riêng ở xã Chiềng Hắc chúng tôi, bà con đã trồng được 157ha rừng tập trung và 10.000 cây phân tán. Đó là một kết quả chưa từng có trong hoạt động trồng rừng của xã. Nhiều hộ đến giờ còn đăng ký xin thêm giống để trồng vượt diện tích đã giao nhưng chúng tôi chưa dám nhận lời, vì lo không đáp ứng được cây giống đảm bảo chất lượng”.
Đến với dân bản Tà Số 1 trên đỉnh dãy núi Tú Vàng hùng vĩ thấy những cây đào, cây ban mới trồng dọc đường lên bản. Ông Hợi cho biết: Đào và ban là 2 loại cây được địa phương trồng dọc theo các tuyến quốc lộ, đường liên xã, bản để làm đẹp tươi thêm hương sắc núi rừng Tây Bắc. Với những diện tích rừng tập trung thì trồng táo sơn tra, tre, luồng, xoan đào để lấy quả, lấy gỗ. “Cái hay ở vụ trồng rừng này là Nhà nước hầu như chẳng phải đầu tư gì ngoài cây giống và thiết kế, còn công sức, phân bón là của dân. Dân trồng rừng và hưởng lợi nên bà con hăng hái lắm”- ông Hợi nhấn mạnh.
Chị Lò Thị Thích - dân bản Ta Niết chia sẻ: “Ngoài 300m2 đất đã trồng, tôi muốn đăng ký thêm mấy trăm mét đất nương nữa nhưng chưa được. Cả bản này, ai cũng trả lại đất rừng như nhau. Từ nay không phá rừng nữa đâu”.
Sẽ nhân rộng mô hình
Trò chuyện với Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mộc Châu - anh Đào Mạnh Phong thì được biết, nhiều năm qua, Kiểm lâm Mộc Châu luôn trăn trở với việc bảo vệ rừng, đặc biệt là với diện tích đất rừng bị người dân xâm hại hàng năm. “Nghĩ rằng: Muốn trả lại màu xanh cho rừng thì phải dựa vào sức dân, phải tạo được sự đồng thuận, vì thế chúng tôi xây dựng kế hoạch, lập dự án và được huyện đồng ý, ủng hộ. Kiểm lâm triển khai tuyên truyền, người dân đồng thuận, thế là thành công”- anh Phong bảo vậy.
Nhìn bản thiết kế kỹ thuật trồng rừng do Hạt Kiểm lâm Mộc Châu xây dựng, thấy chi phí trồng mới 1ha rừng ở đây thấp tới mức khó tin: 17.091.000 đồng. Thấy tôi ngạc nhiên, anh Phong giải thích: “Chi phí thiết kế cho 1ha rừng này chỉ có 250.000 đồng, bằng mấy bát phở; còn chi phí thẩm định thì mỗi ha chỉ có 25.000 đồng thôi. Tuy kinh phí đầu tư ít nhưng đến điểm này có thể khẳng định chúng tôi đã thành công...”.
Ông Lò Thế Thi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La thì khẳng định: Cách làm của Hạt Kiểm lâm huyện Mộc Châu là một cách làm mới và rất hay, hiệu quả. Nhờ vậy mấy năm gần đây Mộc Châu đã trồng được trên 500ha rừng; gắn được cả 3 yếu tố: Phòng hộ, kinh tế và bản sắc rừng Tây Bắc. Kiểm lâm Mộc Châu cũng là đơn vị đi đầu trong việc làm rõ chủ rừng và trách nhiệm chủ rừng nên hiệu quả bảo vệ và phát triển vốn rừng những năm gần đây rất tốt. Tới đây chi cục sẽ triển khai sâu, rộng cách làm của Mộc Châu tới 12/12 huyện, thị trong tỉnh để các đơn vị khác nghiên cứu, học tập.