Sáng ngày 11.8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương và đoàn công tác đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Báo cáo của Tỉnh ủy Trà Vinh cho biết triển khai Kết luận 92-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chiến lược CCTP đến năm 2020 và Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về kết quả 8 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược CCTP đến năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Tỉnh ủy Trà Vinh đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đối với các cấp ủy trực thuộc.
Qua triển khai thực hiện, các cơ quan tư pháp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, xử lý kịp thời tội phạm theo đúng quy định của pháp luật và hoạt động tố tụng…
Các cấp ủy Đảng đã tăng cường sự lãnh đạo, phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, công luận và nhân dân đối với các cơ quan tư pháp và hoạt động tư pháp. Tập trung nâng cao chất lượng phòng, chống các loại tội phạm; thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong công tác bắt, giam giữ, điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm; tăng cường tranh tụng công khai tại phiên tòa và tăng thẩm quyền xét xử cho tòa án cấp huyện, bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Trí Dũng, CCTP được Tỉnh ủy Trà Vinh xác định là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã trực tiếp nghe lãnh đạo Tòa án và Viện Kiểm sát tỉnh báo cáo tình hình; chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra, rà soát các vụ án tồn đọng, kéo dài tại các cơ quan tư pháp.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hiệu quả đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; chỉ thị về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chỉ thị về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Tuy nhiên, báo cáo của Tỉnh ủy Trà Vinh cũng nêu rõ những hạn chế như chất lượng xét xử một số vụ án áp dụng hình phạt chưa nghiêm (như tội đánh bạc; vi phạm các quy định về trật tự ATGT,...), chất lượng xét xử án dân sự chưa cao, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; nhiều vụ việc, vụ án tạm đình chỉ còn tồn đọng quá thời hạn giải quyết theo quy định; việc thực hiện chủ trương mở rộng tranh tụng tại phiên tòa có lúc vẫn còn mang tính hình thức.
Tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương Lê Thị Thu Ba cho rằng, CCTP cần lấy tòa án làm trung tâm mà xương sống là nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa và năng lực của những người tham gia tố tụng như thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo các ban, ngành Trung ương và tỉnh Trà Vinh, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh những kết quả của công tác CCTP theo Kết luận 92 của Bộ Chính trị ở tỉnh Trà Vinh đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác CCTP của tỉnh trên các lĩnh vực như tòa án, kiểm sát, điều tra, thi hành án, luật sư, giám định tư pháp.
Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ việc thực hành quyền công tố và chất lượng kiểm sát điều tra, xét xử còn hạn chế, khi phát hiện có vi phạm trong hoạt động tư pháp chưa kiên quyết kiến nghị, kháng nghị để khắc phục kịp thời; số lượng án dân sự cấp huyện bị cấp phúc thẩm hủy còn nhiều nhưng số vụ viện kiểm sát kháng nghị còn ít do lỗi kiểm sát viên, năng lực của kiểm sát viên chưa đồng đều.
Tỉnh ủy Trà Vinh cần quán triệt sâu rộng công tác CCTP đến cán bộ, đảng viên; phổ biến những bài học kinh nghiệm được tổng kết sau 8 năm thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị; những quy định mới của Hiến pháp 2013 về quyền con người và quyền công dân; tăng cường vai trò, trách nhiệm tham mưu của Ban chỉ đạo CCTP tỉnh đối với lãnh đạo Tỉnh ủy; phát huy vai trò trung tâm của tòa án, nâng cao chất lượng xét xử và tranh tụng tại phiên tòa; phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan tố tụng và cán bộ tư pháp; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tố tụng dưới sự lãnh đạo của cấp ủy trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, các loại tội phạm; thi hành án dân sự phải đạt hiệu quả cao hơn, từng bước hạn chế án không thi hành được; nâng cao đạo đức phẩm chất, năng lực chuyên môn của cán bộ các cơ quan tố tụng; xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực, chạy án nhằm làm trong sạch đội ngũ, tạo niềm tin trong nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.