Dân Việt

Ông lớn Singapore "nuốt không trôi" Sofitel Plaza Hà Nội

13/08/2014 07:09 GMT+7
Dùng chiêu lỗ khủng khiến đối tác Việt mướt mồ hôi nhưng ông lớn Singapore vẫn không thể “nuốt” trôi Sofitel Plaza Hà Nội.
Liên doanh lỗ khủng

Sofitel Plaza là một trong những khách sạn 5 sao hàng đầu tại Hà Nội. Nếu Sheraton và InterContinental chỉ soi bóng bên Hồ Tây thì Sofitel Plaza Hà Nội vừa nằm sát hồ Trúc Bạch (Quận Tây Hồ), vừa cách Hồ Tây vài bước đi bộ. Chính vì vậy, Sofitel Plaza Hà Nội cũng trở thành điểm đến của đông đảo du khách.

Trong trào lưu xây dựng khách sạn 5 sao ở thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Meritus Hotel là cái tên được chú ý vì có địa thế rất đẹp. Được xây dựng từ đầu thập kỷ 90, nhưng phải tới tháng 2.1998, Meritus Hotel mới chính thức được khai trương.

img

Sofitel Plaza Hà Nội lận đận đổi chủ

Meritus Hotel là "con" chung của "cuộc hôn nhân" giữa đối tác Việt Nam là Công ty xây dựng 208 (thuộc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội) và đối tác nước ngoài là công ty PID investments Ltd. của Singapore.

Hai công ty thành lập liên doanh theo giấy phép đầu tư số 720/GP cấp ngày 10.11.1993. Liên doanh được đặt tên Công ty liên doanh có tên gọi là Công ty Quốc tế Hồ Tây (West lake International company).

Từ ngày mới thành lập liên doanh, phía đối tác ngoại đã nắm giữ cổ phần chi phối tại khách sạn này. PID investments Ltd sở hữu 75% vốn Meritus Hotel. Phía Việt Nam là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội chỉ sở hữu 25% trong liên doanh.

Liên doanh có nhiệm vụ xây dựng một khách sạn năm sao đạt tiêu chuẩn quốc tế, văn phòng cho thuê, các công trình phụ và kinh doanh các dịch vụ khách sạn, cho thuê văn phòng tại đây. Nói đơn giản, Công ty Quốc tế Hồ Tây là ông chủ của Meritus Hotel.

Thời gian đầu, Meritus Hotel do Tập đoàn Meritus - Singapore quản lý. Tuy nhiên, đến năm 2001, khách sạn đổi tên thành khách sạn Sofitel Plaza Hà Nội. Sofitel Plaza Hà Nội do Tập đoàn Accor của Pháp quản lý.

Công ty Quốc tế Hồ Tây là một trong những liên doanh được chú ý trong những năm cuối 90 vì những khoản lỗ khủng. Kể từ khi hoạt động tới năm 2000, liên doanh này thua lỗ tới 545 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2000 lỗ 211 tỷ đồng.

Điều đáng nói, với 25% vốn sở hữu ban đầu tại liên doanh, phía Việt Nam là Tổng công ty xây dựng Hà Nội chỉ phải bỏ ra 62 tỷ đồng, con số quá khiêm tốn so với khoản lỗ "khủng" kể trên. Nếu đối chiếu theo tỷ lệ góp vốn thì phía Việt Nam phải gánh số lỗ 136,4 tỷ đồng, "thừa sức" mất bay vị trí trong liên doanh.

Thua lỗ khủng khiến phía đối tác Việt âm vốn và buộc phải rút lui khỏi liên doanh cũng chính là cách nhiều đối tác ngoại áp dụng để thâu tóm liên doanh. Coca Cola là một trong những ví dụ điển hình nhất của phương thức thâu tóm kiểu này.

Không nuốt nổi Sofitel Plaza

Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, một trong những "chiêu" kinh điển nhất mà đối tác sử dụng để thâu tóm liên doanh chính là khiến liên doanh thua lỗ nặng tới mức đối tác Việt không đủ sức chịu đựng. Nếu muốn giữ được tỷ lệ sở hữu, đối tác Việt buộc phải rót thêm tiền đề bù lỗ.

Tuy nhiên, trong những năm 90, ngân sách của doanh nghiệp Việt không đủ lớn để "chạy theo" những khoản lỗ khủng nên đối tác Việt đành ngậm ngùi nhìn liên doanh rơi vào tay đối tác ngoại.

img

Khung cảnh tuyệt đẹp nhìn từ Sofitel Plaza Hà Nội

Nghi án thâu tóm Sofitel Plaza Hà Nội sớm được nhìn ra. Liên doanh Công ty Quốc tế Hồ Tây cũng đã được báo chí nhắc tới. Bộ Xây dựng đã vào cuộc nhưng cũng lúng túng trong việc tìm ra một giải pháp khả thi.

Sau đó, nghi án thâu tóm Sofitel Plaza Hà Nội không được nhắc tới nhiều. Chỉ biết rằng tới năm 2001, cùng với việc thay đổi đơn vị quản lý từ Tập đoàn Meritus của Singapore sang Tập đoàn Accor của Pháp, Sofitel Plaza Hà Nội có ông chủ ngoại mới. Đó là UOL Group.

UOL Group là một trong những Tập đoàn hàng đầu châu Á. UOL Group mang "quốc tịch" Singapore và hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau từ bất động sản, khách sạn tới bán lẻ. Tập đoàn có nhiều công ty con hiện diện tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Myanmar,...

Trong báo cáo thường niên 2013, khi viết về Sofitel Plaza Hà Nội, UOL ghi rõ "năm hoàn thành" là 1998 và thời gian "MUA" là 2001. Như vậy có thể thấy hoặc UOL đã mua Sofitel Plaza Hà Nội từ tay "chủ cũ" PID investments Ltd hoặc UOL đã mua luôn PID investments Ltd. để từ đó sở hữu Sofitel Plaza Hà Nội.

Có vẻ như trường hợp thứ hai đúng hơn vì trong báo cáo thường niên 2013 của UOL, PID investments Ltd được xác định là một trong những thành viên của Tập đoàn khổng lồ, đa lĩnh vực này.

UOL cho biết: "Năm 2001, Hotel Plaza đã mua 3 khách sạn Sheraton Suzhou Hotel & Towers ở China, Hotel Sofitel Plaza Yangon ở Myanmar and Hotel Sofitel Plaza Hanoi ở Việt Nam để thêm vào danh mục đầu tư khách sạn khu vực. Động thái này xác định rõ tham vọng của Tập đoàn trở thành nhà quản lý khách sạn chủ chốt tại Châu Á - Thái Bình Dương".

Cũng tại báo cáo này, UOL ghi rõ, công ty sở hữu 75% tại Công ty Quốc tế Hồ Tây (West lake International company), ông chủ chính thức của Sofitel Plaza Hà Nội. Như vậy, đối tác Việt Nam vẫn giữ trọn vẹn 25% vốn trong liên doanh.

Sở hữu vị trí đẹp nhưng trong thời gian này, Sofitel Plaza Hà Nội kinh doanh chưa thực sự hiệu quả. Đánh giá về hoạt động của Sofitel Plaza Hà Nội năm 2013, UOL nhận xét: "Mặc dù công suất thuê phòng trung bình tăng 1% so với 2012 nhưng giá phòng trung bình giảm 2% so với năm trước, dẫn đến sự sụt giảm 2% về doanh thu".

Công ty tư vấn bất động sản CBRE nhận xét, thời gian qua khách sạn 5 sao gặp không ít khó khăn. Một số khách sạn 5 sao, trong đó có Sofitel Plaza mở dịch vụ cho thuê căn hộ như một giải pháp lấp đầy phòng trống cũng như lôi kéo khách hàng quen thuộc.